Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan gặp Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg và Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius, Lithuania, ngày 10/7/2023. (Ảnh: Anadolu Agency/Getty Images)
Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ hôm 27/12 đưa tin, Thụy Điển đã dỡ bỏ lệnh cấm vận xuất khẩu thiết bị quân sự phòng thủ cho Ankarasau khi một ủy ban của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận việc Stockholm trở thành thành viên NATO.
Hôm 26/12, Ủy ban Đối ngoại thuộc Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã bật đèn xanh cho nỗ lực của Thụy Điển gia nhập NATO sau khi những trì hoãn, chủ yếu từ Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary, đã cản trở việc mở rộng liên minh quân sự gồm 31 thành viên này.
Sự chấp thuận của Ủy ban Đối ngoại dự kiến sẽ dẫn đến việc Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ tranh luận và phê chuẩn việc gia nhập NATO của Thụy Điển. Hiện Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ chưa ấn định ngày cho cuộc bỏ phiếu của cơ quan lập pháp nước này, sau đó, việc này sẽ phải được Tổng thống Recep Tayyip Erdogan chính thức phê duyệt.
Ngay sau đó, Stockholm đã dỡ bỏ lệnh cấm vận xuất khẩu quốc phòng đối với Ankara và bắt đầu cấp giấy phép xuất khẩu theo yêu cầu của các công ty Thổ Nhĩ Kỳ, hãng tin Yeni Safak hôm 27/12 dẫn lời bình luận của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Burak Akcapar cho biết.
Tờ báo đưa tin: "Sau khi bắt đầu quá trình (chấp thuận tư cách thành viên của Thụy Điển vào NATO), các đơn đăng ký do các công ty Thổ Nhĩ Kỳ đệ trình đã được phê chuẩn một cách tích cực".
Lệnh cấm vận được Thụy Điển áp đặt vào tháng 10/2019 nhằm phản đối hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ chống lại lực lượng dân quân người Kurd ở Syria. Trước đây, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã đe dọa sẽ ngăn chặn Thụy Điển gia nhập NATO, cũng như nước láng giềng Bắc Âu Phần Lan.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã hoan nghênh ý định của Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn đơn đăng ký gia nhập NATO của Thụy Điển, đồng thời kêu gọi Hungary cũng có động thái này "càng sớm càng tốt".
"Tư cách thành viên của Thụy Điển sẽ làm cho NATO mạnh mẽ hơn", ông Stoltenberg tuyên bố hôm 26/12.
Việc dỡ bỏ lệnh cấm vận xuất khẩu thiết bị quân sự sang Thổ Nhĩ Kỳ có thể dẫn đến sự gia tăng thương mại quốc phòng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Điển, cũng như khả năng hợp tác chiến lược giữa hai nước này.
Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên NATO từ năm 1953, đã yêu cầu Thụy Điển và Phần Lan thay đổi lập trường đối với các nhóm chiến binh người Kurd mà Ankara coi là tổ chức khủng bố, đồng thời yêu cầu Thụy Điển dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí phòng thủ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!