Koala là loài vật mang tính biểu tượng của Australia. (Ảnh: AP)
Chlamydia, một căn bệnh lây truyền qua đường tình dục, cũng được ghi nhận ở người, đã lây lan rộng trong quần thể koala tại Australia, ảnh hưởng đến tính mạng của một nửa số gấu túi này ở một số khu vực.
Mặc dù trong nhiều trường hợp bệnh chlamydia có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh nhưng các nhà nghiên cứu cho biết, họ hy vọng vaccine này sẽ giúp kéo dài tuổi thọ và cải thiện việc sinh sản của koala.
Amber Gillett, bác sĩ thú y của Bệnh viện Động vật hoang dã Australia và là điều phối viên nghiên cứu, cho biết trong một tuyên bố khi cuộc thử nghiệm bắt đầu diễn ra: "Đây là một căn bệnh nguy hiểm gây ra viêm kết mạc suy nhược, nhiễm trùng bàng quang và đôi khi dẫn đến vô sinh".
Các nhà nghiên cứu cho biết, căn bệnh do vi khuẩn này có thể lây từ mẹ sang con và cũng có thể gây mù lòa.
Koala mắc bệnh chlamydia được gây mê đẻ kiểm tra sức khỏe tại bệnh viện thú y ở Vineyard, Sydney, Australia. (Ảnh: Reuters)
Mỗi con gấu túi sẽ được tiêm một liều vaccine. Nhóm nghiên cứu sẽ gắn vi mạch vào những con koala đã được tiêm để theo dõi trước khi chúng được thả về tự nhiên.
Peter Timms, giáo sư vi sinh vật học tại Đại học Sunshine Coast, người đứng đầu cuộc thử nghiệm, cho biết: "Mặc dù việc tiêm vaccine này sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho từng cá thể gấu túi, nhưng thử nghiệm cũng sẽ tập trung vào mức độ bảo vệ mà vaccine cung cấp qua việc tiêm phòng".
Các ước tính về số lượng quần thể koala là khác nhau vì chúng rất khó kiểm đếm trong tự nhiên. Một nghiên cứu vào năm 2016 do Đại học Queensland thực hiện đã tính toán rằng, có khoảng 330.000 con gấu túi còn lại ở Australia.
Theo ước tính trong nghiên cứu do Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới thực hiện, hơn 60.000 con gấu túi đã bị giết, bị thương hoặc bị ảnh hưởng theo một cách nào đó bởi các trận cháy rừng tàn phá Australia vào năm 2019 và đầu năm 2020.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!