Toàn bộ châu Âu dỡ bỏ hạn chế phòng dịch, WHO cảnh báo COVID-19 vẫn là mối đe dọa tiềm tàng

Quỳnh Chi (Theo Worldometers)-Thứ hai, ngày 24/10/2022 06:25 GMT+7

Đến nay, hơn 632,86 triệu người đã mắc COVID-19 trên toàn cầu. (Ảnh: AP)

VTV.vn - Đến sáng 24/10, thế giới có trên 632,86 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,582 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 99,06 triệu ca mắc và hơn 1,092 triệu trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Giới chức y tế Mỹ cho biết, số ca mắc biến thể BQ.1 và BQ.1.1 thuộc chủng phụ BA.5 của biến thế Omicron, tại nước này tăng gần gấp đôi so với tuần trước, theo đó hai biến thể này hiện chiếm 16,6% số ca mắc mới tại Mỹ.

Vài tuần trước, các biến thể này hầu như không hiển thị trên trình theo dõi của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), điều này cho thấy chúng có thể lây lan nhanh chóng. Trong số hai biến thể, BQ.1.1 được quan tâm nhiều hơn.

Tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn y tế Nhà Trắng, trong tuần qua cho biết mũi vaccine tăng cường dành riêng cho Omicron mới được phát triển để nhắm tới BA.4 và BA.5. Nghiên cứu sơ bộ cho thấy, chúng tạo ra phản ứng miễn dịch hiệu quả, các mũi tiêm mới gần như chắc chắn cung cấp một số biện pháp bảo vệ chéo.

Nhiều chuyên gia y tế dự báo. những biến thể BQ.1 và BQ.1.1 hoàn toàn có thể dẫn đến một đợt gia tăng rất mạnh các ca bệnh vào mùa đông này ở Mỹ vì nó đã bắt đầu xảy ra ở châu Âu và Vương quốc Anh.

Ủy ban cố vấn của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ đã bỏ phiếu để đưa vaccine COVID-19 vào danh sách chủng ngừa định kỳ cho người lớn và trẻ em dưới 6 tháng. Do virus SARS-CoV-2 không biến mất nên khuyến cáo trẻ em đi tiêm phòng là rất hợp lý. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép vaccine COVID-19 đầu tiên vào năm 2020 và hiện đã có sẵn cho trẻ em dưới 6 tháng tuổi. Liều tăng cường được phép sử dụng cho trẻ em từ 5 tuổi trở xuống.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 23/10, nước này ghi nhận tổng cộng trên 44,64 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2, bao gồm gần 529.000 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Pháp hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 156.300 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 36,59 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Brazil là quốc gia có số ca tử vong vì COVID-19 cao thứ hai thế giới, sau Mỹ, với trên 687.665 trường hợp trong tổng cộng hơn 34,82 triệu người mắc, cao thứ năm toàn cầu.

Toàn bộ châu Âu dỡ bỏ hạn chế phòng dịch, WHO cảnh báo COVID-19 vẫn là mối đe dọa tiềm tàng - Ảnh 1.

Thêm hơn 2 triệu người ở Anh đã nhiễm COVID-19 trong tuần kết thúc vào ngày 10/10. (Ảnh: AP)

Tây Ban Nha là đất nước cuối cùng ở châu Âu chính thức gỡ bỏ các quy định phòng dịch COVID-19. Theo đó, từ ngày 21/10, du khách nhập cảnh Tây Ban Nha bao gồm công dân Liên minh châu Âu (EU) và ngoài khối EU không cần phải xuất trình giấy chứng nhận tiêm phòng COVID-19. Các quy định xét nghiệm nhanh, điền thông tin tờ khai sức khỏe trước chuyến đi cũng được loại bỏ.

Theo Euronews.com, ngoài ra, quy định đeo khẩu trang tại nhà hàng, quán bar, bảo tàng, rạp chiếu phim... cũng không còn bắt buộc. Tuy nhiên, du khách vẫn được yêu cầu đeo khẩu trang khi đến các cơ sở y tế và khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Các quy tắc có thể khác nhau theo từng khu vực. Do đó, du khách được khuyến cáo nên tự tra cứu các yêu cầu theo vùng dự định đến để tránh các khoản phạt không đáng có.

Tháng 9, Tây Ban Nha đã áp dụng các quy định nhập cảnh mới này đối với du khách đến từ EU hoặc khu vực Schengen. Nhiều người cho rằng phải đến tháng 11, nước này mới dỡ bỏ hoàn toàn các rào cản du lịch. Tuy nhiên, quốc gia này đã thực hiện sớm hơn dự kiến.

Hiện nhiều điểm đến nổi tiếng thế giới vẫn còn một số quy định phòng dịch với khách quốc tế. Mỹ yêu cầu du khách 18 tuổi trở lên phải xuất trình giấy chứng nhận tiêm chủng khi nhập cảnh. Tương tự, Nhật Bản và Singapore cũng yêu cầu khách nhập cảnh phải có giấy tờ này. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn chưa có động thái mở cửa du lịch trở lại.

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu cho biết, các biến thể SARS-CoV-2 này có khả năng làm gia tăng số ca mắc COVID-19 trong vài tuần đến vài tháng tới ở khu vực châu Âu. Theo giới chức y tế châu Âu, vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy, BQ.1 có liên quan đến sự tăng mức độ nghiêm trọng so với các biến thể Omicron đang lưu hành là BA.4 và BA.5, nhưng cảnh báo rằng nó có thể né tránh một số biện pháp bảo vệ miễn dịch.

Các biến thể mới đang được giám sát chặt chẽ bởi các cơ quan quản lý và những nhà sản xuất vaccine trong trường hợp chúng bắt đầu né tránh biện pháp bảo vệ do các loại vaccine COVID-19 hiện nay cung cấp.

Khoảng 2.012.400 người đã nhiễm COVID-19 ở Anh trong tuần kết thúc vào ngày 10/10, tăng 15,4% so với tuần trước đó. Đây là kết quả khảo sát tình hình dịch COVID-19 hàng tuần của Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS). Dữ liệu mới nhất cho thấy, số ca mắc COVID-19 mới tại Anh đang tiếp tục tăng, có thể gần đạt đến đỉnh điểm.

Tuy nhiên, khảo sát cũng cho thấy, sự lây lan của virus SARS-CoV-2 đang bắt đầu chậm lại ở nhiều vùng của nước Anh, chiếm phần lớn các trường hợp mắc.

Tại London, số người nhiễm mới ở khu vực Đông Bắc và Tây Nam đã chững lại. Và ở East Midlands, Tây Bắc và miền Đông nước Anh, con số này cũng đang bắt đầu giảm. Tỷ lệ nhiễm COVID-19 đang tăng ở những người trong độ tuổi từ 50 đến 69, nhưng chúng ở mức ngang bằng hoặc giảm ở trẻ em và nhóm dân số trưởng thành khác.

Toàn bộ châu Âu dỡ bỏ hạn chế phòng dịch, WHO cảnh báo COVID-19 vẫn là mối đe dọa tiềm tàng - Ảnh 2.

Hong Kong (Trung Quốc) sẽ tiếp tục nới lỏng một số biện pháp giãn cách nhằm khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội. (Ảnh: AP)

Chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) quyết định sẽ tiếp tục nới lỏng một số biện pháp giãn cách nhằm khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội. Cụ thể, số người có thể tập trung thành nhóm ở nơi công cộng tăng từ 4 lên 12 người, nhà chức trách cũng cho phép nối lại các buổi biểu diễn tại các địa điểm như trung tâm tổ chức hội nghị, nhà hàng, quán bar cũng như ngoài trời nhưng người tham gia biểu diễn cứ 7 ngày phải xét nghiệm axit nucleic 2 lần, phải xét nghiệm nhanh trước khi vào cơ sở liên quan và phải đeo khẩu trang. Ngoài ra, cũng từ ngày 20/10, người dân được phép ăn uống ngoài trời hoặc trong các công viên giải trí.

Chính quyền Hong Kong đưa ra quyết định trên sau khi phân tích các dữ liệu liên quan trên cơ sở khoa học, đánh giá khả năng kiểm soát rủi ro và tạo thuận tiện cho người dân. Theo Cục Y tế Hong Kong, dịch bệnh COVID-19 đã ổn định sau giai đoạn đỉnh điểm vào đầu tháng 9, mặc dù số ca mắc mới không giảm, dao động ở mức hơn 5.000 ca/ngày trong những ngày qua, nhưng số ca nhập viện, bệnh nặng và tử vong ở mức tương đối ổn định.

Đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc và sự xuất hiện của các biến thể mới vẫn là mối đe dọa tiềm tàng, tiếp tục gia tăng sức ép đối với hệ thống y tế vốn chưa phục hồi sau hơn 2 năm đại dịch hoành hành. Đây là cảnh báo do ông Babatunde Olowokure, Giám đốc Văn phòng Tình trạng khẩn cấp và An ninh y tế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại khu vực Tây Thái Bình Dương, đưa ra.

Theo quan chức WHO, từ tháng 8 đến nay, Singapore và New Zealand ghi nhận số ca mắc mới gia tăng trở lại, trong khi số ca mắc mới và bệnh nhân COVID-19 cần nhập viện điều trị tại nhiều nước như Philippines, Hàn Quốc, Nhật Bản duy trì đà giảm. Ông cho biết, biến thể phụ XBB của Omicron gây ra số lượng lớn ca mắc mới tại Singapore, trong khi BA.5 vẫn là biến thể lây nhiễm chủ đạo tại New Zealand. Hiện Singapore đã tái áp đặt nhiều biện pháp đảm bảo an toàn y tế công cộng như hạn chế số người vào thăm tại các bệnh viện và nhà dưỡng lão.

Báo cáo mới nhất của WHO cho biết, kể từ khi COVID-19 lây lan mạnh vào năm 2020, khu vực Tây Thái Bình Dương đã có hơn 92 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 270.000 ca tử vong. Ông Olowokure cho rằng số ca mắc mới giảm tại nhiều nước là do mức độ bao phủ vaccine cao và người dân các nước cần tiếp tục cảnh giác với dịch bệnh khi các biến thể mới tiếp tục được phát hiện.

Mới đây, Ấn Độ phát hiện 2 biến thể phụ mới của Omicron là BF.7 và BQ.1, đồng thời đưa ra cảnh báo làn sóng dịch mới vào mùa đông sắp tới.

Pfizer dự kiến tăng giá vaccine ngừa COVID-19 gấp 4 lần Pfizer dự kiến tăng giá vaccine ngừa COVID-19 gấp 4 lần Trung Quốc: Số ca mắc mới tăng gấp 4 lần, thủ đô Bắc Kinh tăng cường chống COVID-19 Trung Quốc: Số ca mắc mới tăng gấp 4 lần, thủ đô Bắc Kinh tăng cường chống COVID-19 Nhật Bản hạ cảnh báo đi lại tới 76 quốc gia và vùng lãnh thổ Nhật Bản hạ cảnh báo đi lại tới 76 quốc gia và vùng lãnh thổ

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước