Tuy nhiên, ông Tebboune và hai đối thủ của ông đã cáo buộc cơ quan bầu cử của Algeria công bố kết quả không thống nhất.
Theo số liệu tạm thời do Cơ quan Bầu cử Độc lập Quốc gia (ANIE) của Algeria công bố vào ngày 8/9, ông Tebboune đã giành được 94,65% số phiếu bầu. Các đối thủ của ông là Abdelaali Hassani Cherif và Youcef Aouchiche chỉ giành được lần lượt 3,17% và 2,16% số phiếu.
"Trong số 5.630.000 cử tri được ghi nhận, 5.320.000 người đã bỏ phiếu cho ứng cử viên độc lập Abdelmadjid Tebboune, chiếm 94,65%" - ông Mohamed Charfi, Giám đốc ANIE, nói với các phóng viên tại thủ đô Algiers.
Các quan chức bầu cử vào ngày 7/9 đã báo cáo tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu sơ bộ là 48,03% trong số khoảng 24 triệu người Algeria đã đăng ký bỏ phiếu.
Trong khi công bố kết quả bỏ phiếu, người đứng đầu cơ quan bầu cử ANIE - ông Charfi - cho biết cơ quan này đã nỗ lực đảm bảo tính minh bạch và cạnh tranh công bằng giữa tất cả các ứng cử viên.
Tuy nhiên, ba ứng cử viên Tổng thống Algeria - bao gồm ông Tebboune - đã đưa ra tuyên bố chung vào cuối ngày 8/9, trong đó phản đối các số liệu do ANIE công bố. Họ tuyên bố rằng các số liệu gồm tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu từ cơ quan bầu cử này không nhất quán với số liệu do các viên chức bầu cử thành phố đệ trình.
"Chúng tôi thông báo cho dư luận về sự mơ hồ, mâu thuẫn, không rõ ràng và các con số trái ngược được ghi nhận trong thông báo về kết quả tạm thời của cuộc bầu cử Tổng thống" - Giám đốc chiến dịch tranh cử của ba ứng cử viên cho biết trong tuyên bố.
Ông Tebboune (78 tuổi) là ứng cử viên của quân đội và trở thành nhà lãnh đạo Algeria vào năm 2019, sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sau khi người tiền nhiệm Abdulaziz Bouteflika buộc phải từ chức. Ông Bouteflika - người đã qua đời vào năm 2021 - đã lãnh đạo quốc gia châu Phi giàu dầu mỏ này trong gần 2 thập kỷ cho đến khi nỗ lực tranh cử nhiệm kỳ thứ 5 của ông gây ra các cuộc biểu tình lớn do Phong trào Hirak lãnh đạo.
Ông Tebboune đã cam kết tăng trợ cấp thất nghiệp, lương hưu và các chương trình nhà ở công cộng - điều mà ông được cho là đã thực hiện trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình. Tuy nhiên, chính phủ của ông đã phải vật lộn để khuyến khích cử tri đi bỏ phiếu để thể hiện tính hợp pháp.
Reuters trích lời nhà phân tích chính trị Farid Ferrari cho biết: "Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu (lần này) là 48% so với 40% vào năm 2019 cho thấy rõ ràng khoảng cách giữa người cầm quyền và người dân vẫn chưa được thu hẹp".
Trong những năm gần đây, quốc gia Bắc Phi này đã thúc đẩy các cải cách để đa dạng hóa nền kinh tế của đất nước. Vào cuối tháng 8, nước này đã được cấp tư cách thành viên tại Ngân hàng Phát triển Mới BRICS (NDB) - một động thái mà Bộ Tài chính Algeria gọi là "bước tiến lớn trên con đường hội nhập vào hệ thống tài chính toàn cầu".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!