Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. (Ảnh: ABC News)
Thế giới đã từng đặt không ít kỳ vọng khi tình hình bán đảo Triều Tiên hòa dịu một cách bất ngờ từ đầu năm đến nay và kế hoạch xúc tiến cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên. Tuy nhiên, với những gì đã diễn ra, kế hoạch này rõ ràng là một chặng đường đầy trắc trở.
Tháng 2/2018: Triều Tiên đã bất ngờ thông báo với Hàn Quốc rằng nước này hoàn toàn sẵn sàng đàm phán với Mỹ.
Ngày 8/3/2018: Tổng thống Donald Trump xác nhận sẽ tham dự cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Ngày 21/4/2018: Triều Tiên tuyên bố ngừng các vụ thử tên lửa và hạt nhân.
Ngày 27/4/2018: Hàn Quốc và Triều Tiên tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Liên - Triều lịch sử, hai bên cam kết hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Ngày 9/5/2018: Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tới Triều Tiên để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên. Kết thúc chuyến đi, ông Pompeo về nước cùng với 3 công dân Mỹ được Triều Tiên trả tự do.
Ngày 10/5/2018: Thời gian và địa điểm tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên được ấn định là ngày 12/6 tại Singapore.
Ngày 11/5/2018: Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu cuộc tập trận chung Thần Sấm.
Ngày 16/5/2018: Triều Tiên hủy cuộc hội đàm cấp cao với Hàn Quốc và cảnh báo hủy cuộc gặp thượng đỉnh với Mỹ.
Ngày 18/5/2018: Mỹ nhất trí chuyển hướng 2 máy bay ném bom B-52 khỏi bán đảo Triều Tiên.
Ngày 21/5/2018: Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố kết cục với Triều Tiên sẽ giống như Libya. Libya là nước đã từ bỏ chương trình hạt nhân vào năm 2004, nhưng 7 năm sau, chính quyền của ông Gaddafi đã bị lật đổ.
Ngày 24/5/2018: Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui lên án phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ và nhấn mạnh tương lai của hội nghị thượng đỉnh phụ thuộc vào Mỹ.
Triều Tiên thực hiện cam kết dỡ bỏ hoàn toàn bãi thử hạt nhân Punggye-ri. Chỉ vài tiếng sau, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo hủy cuộc gặp thượng đỉnh với Triều Tiên.
Ngày 25/5/2018: Triều Tiên tuyên bố vẫn sẵn sàng đàm phán với Mỹ bất cứ lúc nào.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres có nhận đinh rằng tất cả các nước tham gia vào đối thoại về tình hình bán đảo Triều Tiên đều cần có "thần kinh thép". Hiện nay, mọi nỗ lực kêu gọi nối lại đàm phán vẫn đang được xúc tiến vì dù cuộc gặp ngày 12/6 đã bị hủy nhưng cánh cửa đối thoại vẫn đang được cả 2 nước Mỹ và Triều Tiên để ngỏ.
Trắc trở đường tới cuộc gặp Mỹ - Triều
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!