Nghệ thuật graffiti lần đầu xuất hiện ở New York (Mỹ) vào những năm 60-70 của thế kỷ trước, khi các băng nhóm da màu lang thang trên đường phố dùng những hình vẽ nguệch ngoạc, chữ ký để đánh dấu phần "lãnh thổ" hoạt động của mình.
Tới nay, tranh vẽ đường phố graffiti có thể được tìm thấy ở bất cứ đâu ở khắp thế giới. Nhiều nước coi việc vẽ tranh tùy tiện, bôi bẩn trên tường mà không có sự đồng ý của chủ nhà và chính quyền là hành vi phá hoại tài sản và cần bị trừng phạt.
Tại Mỹ, chính quyền nhiều thành phố đã đưa ra định nghĩa rất rõ ràng về graffiti, khẳng định đó là một hình thức phá hoại môi trường văn hóa. Người vẽ graffiti sẽ bị phạt tiền, làm công ích và thậm chí phải ngồi tù. Nhiều thành phố phương Tây cũng áp dụng các hình phạt nghiêm khắc để hạn chế vẽ bậy trên đường phố.
Trong giai đoạn 1998-2008, chiến dịch "Dừng vẽ tranh graffiti" do thủ đô Helsinki (Phần Lan) phát động đã áp dụng hình phạt không khoan nhượng nhằm loại bỏ hoàn toàn hiện tượng graffiti.
Trái ngược với hầu hết thành phố có quy định nghiêm khắc với graffiti, có một số nơi ở Mỹ lại là thiên đường cho loại hình nghệ thuật đường phố này, chẳng hạn như quận Wynwood của thành phố Miami. Nơi đây đã trở thành điểm thu hút khách du lịch bởi những bức tranh graffiti nổi tiếng.
Hiện nay, nhiều thành phố lớn trên thế giới cũng bắt đầu thay đổi thái độ với các nghệ sỹ graffiti đường phố và dành riêng một số khu vực công cộng cho họ tự do sáng tác, như tại thủ đô Bogota (Colombia) và thành phố Lisbon (Bồ Đào Nha). Trong khi đó, thành phố Montreal (Canada) và Brussels (Bỉ) tài trợ cho các tour du lịch ngắm graffiti quanh thành phố.
Graffiti được cộng đồng nghệ thuật thế giới và công chúng ủng hộ nếu nó được đặt đúng chỗ và thể hiện tính sáng tạo nghệ thuật và truyền tải thông điệp xã hội tốt đẹp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!