Trẻ em và thanh thiếu niên Đức bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư

Theo TTXVN-Chủ nhật, ngày 21/11/2021 06:00 GMT+7

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em tại Los Angeles, California (Mỹ), ngày 8/9/2021. Ảnh: Getty Images/TTXVN

VTV.vn - Tính đến sáng 21/11, thế giới đã ghi nhận hơn 257 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 5,15 triệu trường hợp tử vong.

Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất với 791.098 ca tử vong trong tổng số 48.521.596 ca. Tiếp đó là Ấn Độ với 465.349 ca tử vong trong số 34.499.925 ca. Brazil đứng thứ ba với 612.411 ca tử vong trong số 22.003.317 ca.

Tính theo tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 609 người tử vong. Tiếp đến là Bulgaria với 386 người và Bosnia-Herzegovina với 371 người/100.000 dân.

Xét theo khu vực, Mỹ Latinh và Caribe hiện có hơn 1,5 triệu ca tử vong trong hơn 46,3 triệu ca mắc COVID-19. Châu Âu có hơn 1,4 triệu ca tử vong trong hơn 70 triệu người mắc COVID-19. Châu Á ghi nhận hơn 1,1 triệu ca tử vong trong hơn 81,1 triệu ca mắc. Bắc Mỹ có hơn 1,1 triệu ca tử vong trong hơn 58,1 triệu ca mắc. Châu Phi ghi nhận hơn 221.900 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là hơn 4.000 người.

Trong nỗ lực sớm mở cửa lại trường học trên cả nước sau thời gian dài đóng cửa do đại dịch, Chính phủ Lào mới đây đã phê chuẩn tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi. Người muốn tiêm có thể đăng ký trực tuyến, lựa chọn địa điểm và thời điểm tiêm rồi đến theo lịch hẹn. Điều kiện để tiêm chủng là các em phải đủ từ 12 tuổi trở lên và được sự đồng ý của bố mẹ hoặc người giám hộ. Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến trình tiêm vaccine cho thanh thiếu niên, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào cũng đang gấp rút soạn thảo 10 điều kiện và các biện pháp liên quan đến kiểm soát COVID-19 trong trường học để có thể sớm mở lại trường học.

Nhằm khuyến khích người dân tiêm phòng, Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) hạ giới hạn tuổi tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng Sinovac Biotech (Trung Quốc), theo đó 3 tuổi trở lên có thể tiêm vaccine này. Người đứng đầu cơ quan thực phẩm và y tế Hong Kong (SFH) Sophia Chan cho biết, thanh thiếu niên 12-17 tuổi sẽ được ưu tiên tiêm vaccine CoronaVac của hãng Sinovac, nhằm mở rộng sang nhóm lứa tuổi ít hơn vào giai đoạn sau này. Theo SFH, việc chấp thuận mở rộng độ tuổi đủ điều kiện để bao phủ tiêm chủng từ 3-17 tuổi mang lại nhiều lợi ích hơn so với những rủi ro của việc không tiêm chủng.

Trẻ em và thanh thiếu niên Đức bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư - Ảnh 1.

Hành khách đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay quốc tế Toronto ở Mississauga, Ontario (Canada), hồi đầu năm 2021. Ảnh: THX/TTXVN

Canada đã điều chỉnh một số quy định xuất-nhập cảnh liên quan dịch COVID-19. Đối với công dân/thường trú nhân Canada đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 muốn ra nước ngoài trong các chuyến đi ngắn dưới 72 giờ, Chính phủ Canada quyết định dỡ bỏ yêu cầu xét nghiệm COVID-19 trước khi khởi hành. Ngoài các loại vaccine đã được Bộ Y tế Canada phê duyệt, từ ngày 30/11, chính phủ liên bang cũng sẽ công nhận vaccine của Sinopharm, Sinovac và Covaxin để xác định xem khách nhập cảnh đã tiêm chủng đầy đủ hay chưa. Chính phủ Canada cho biết những thay đổi trên đưa danh sách vaccine được nước này chấp thuận phù hợp với danh sách vaccine được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận.

Kể từ ngày 15/1/2022, Canada cũng giảm miễn trừ cho những khách hiện được phép nhập cảnh vào Canada mà không tiêm phòng đầy đủ. Kể từ năm 2022, yêu cầu về vaccine sẽ áp dụng cho những người thực hiện chuyến đi để đoàn tụ với gia đình, sinh viên quốc tế từ 18 tuổi trở lên, các vận động viên chuyên nghiệp và nghiệp dư, và các nhà cung cấp dịch vụ thiết yếu nhất. Điều này có nghĩa là nhân viên hỗ trợ vận động viên trong các giải đấu thể thao chuyên nghiệp như NHL và NBA sẽ không còn được miễn trừ yêu cầu tiêm chủng nữa.

Trong nhiều tuần qua, trẻ em và thanh thiếu niên là những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 tại Đức. Theo Viện Robert Koch (RKI), tỷ lệ mắc bệnh trong 7 ngày cao nhất hiện nay là ở nhóm trẻ từ 10-14 tuổi, tiếp theo là nhóm từ 5-9 tuổi và cuối cùng là nhóm từ 15-19 tuổi.

Báo cáo tuần của RKI cho thấy chỉ trong vòng 4 tuần, Đức đã ghi nhận 856 đợt dịch bùng phát tại các trường học, cao hơn nhiều so với tất cả các làn sóng dịch trước đây. Ngoài khả năng dễ lây lan hơn của biến thể Delta, một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ nhiễm virus cao trong các trường học là do nhiều trẻ em đi học chưa được tiêm ngừa COVID-19. Ở Đức, việc tiêm phòng này mới chỉ áp dụng cho người từ 12 tuổi trở lên.

Trẻ em và thanh thiếu niên Đức bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư - Ảnh 2.

Vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi do hãng dược phẩm BioNTech của Đức bào chế

Từ ngày 22/11, Séc chỉ cho phép những người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh sau 6 tháng được tới các nhà hàng, tham dự sự kiện và sử dụng một số dịch vụ khác. Quy định này sẽ buộc những người chưa tiêm phòng phải nhanh chóng đi tiêm vaccine, qua đó giúp giảm nguy cơ dịch bệnh tiếp tục lây lan mạnh. Thủ tướng Séc Andrej Babiš cảnh báo nước này đang đối mặt với tình huống nghiêm trọng khi tỷ lệ lây nhiễm trong tuần qua đã lên mức cao nhất kể từ khi có dịch. Đỉnh điểm là ngày 16/11, Séc ghi nhận tới 22.479 ca nhiễm mới trên tổng dân số chỉ hơn 10 triệu người.

Tại quốc gia láng giềng Slovakia, chính phủ cũng đã thống nhất áp đặt các biện pháp hạn chế mới đối với những người chưa tiêm phòng vaccine, đồng thời kêu gọi người dân đăng ký tiêm chủng ngay để chặn đứng làn sóng lây nhiễm mới trong vài ngày qua. Lệnh hạn chế cũng tương tự như ở Séc, với việc chỉ cho những người đã tiêm vaccine hoặc khỏi bệnh sau 6 tháng được tới các nhà hàng, cửa hàng bán đồ không thiết yếu hoặc các sự kiện công cộng. Các hạn chế mới có hiệu lực từ ngày 22/11.

Ngày 20/11, Bộ Y tế CH Séc cho biết nước này ghi nhận 22.936 ca mắc COVID-19 mới trong 24 giờ qua - con số theo ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Séc. Trong khi đó, Slovakia trong 24 giờ qua cũng ghi nhận 9.171 ca nhiễm mới - con số cao nhất từ trước đến nay.

Cùng ngày 20/11, Nga đã ghi nhận 37.120 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 9.294.188 ca. Trong đó, thủ đô Moskva là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 3.239 ca mắc mới. Trong 24 giờ qua, Nga cũng có thêm 1.254 ca tử vong vì COVID-19, đưa tổng số người không qua khỏi lên 262.843 người. Tính đến ngày 19/11, khoảng 66,4 triệu người ở Nga đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó 58,7 triệu người đã được tiêm đủ 2 liều.

Chính phủ Hà Lan đã quyết định cấm đốt pháo hoa truyền thống vào dịp Năm mới 2022. Đây là năm thứ hai liên tiếp Hà Lan đưa ra quyết định này trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm mới của dịch COVID-19 đang tăng mạnh. Trong 24 giờ qua, Hà Lan đã ghi nhận khoảng 21.000 ca mới, mức cao nhất theo ngày kể từ khi bùng phát dịch.

Châu Âu đối mặt với nguy cơ bùng phát làn sóng dịch COVID-19 thứ 4 Châu Âu đối mặt với nguy cơ bùng phát làn sóng dịch COVID-19 thứ 4

VTV.vn - Làn sóng thứ 4 của đại dịch COVID-19 đang có nguy cơ bùng phát tại châu Âu dù một số quốc gia vẫn kiểm soát tương đối tốt dịch bệnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước