Một đoạn tuyến đường ống khí đốt Sức mạnh Siberia-1 nối Nga với Trung Quốc (Ảnh: X)
Ngày 3/6, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết tiến trình đàm phán về xây dựng đường ống dẫn khí đốt công suất lớn này vẫn sẽ tiếp diễn. Tuy nhiên, các khía cạnh thương mại của cuộc đàm phán sẽ không được tiết lộ rộng rãi cho công chúng.
Đường ống dẫn khí đốt "Sức mạnh Siberi-2" được thiết kế để vận chuyển 50 tỷ m3 khí đốt từ Nga sang Trung Quốc mỗi năm.
Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh tuyên bố Bắc Kinh sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác toàn diện cùng có lợi với Moscow và mong muốn tăng cường hợp tác sâu sắc hơn trong lĩnh vực dầu khí.
Ngày 3/6, tờ Financial Times của Anh đưa tin hợp tác Trung - Nga trong việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt "Sức mạnh Siberia-2" đã rơi vào bế tắc do các yêu cầu của Trung Quốc về giá cả và khối lượng cung cấp năng lượng.
"Lãnh đạo hai nước đã đạt đồng thuận về các nội dung đôi bên cùng có lợi, tăng cường dung hòa lợi ích và hướng đến thành công chung. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với Nga để triển khai đồng thuận quan trọng này", bà Mao Ninh bình luận vào ngày 3/6, phản hồi câu hỏi từ hãng tin TASS liệu dự án khí đốt "Sức mạnh Siberia-2" có bị trì hoãn.
Nga cho biết tiến trình đàm phán về xây dựng đường ống dẫn khí đốt "Sức mạnh Siberi-2" sẽ tiếp diễn (Ảnh: AP)
Nhà ngoại giao này cho biết thêm, Bắc Kinh có ý định "tăng cường hợp tác cùng có lợi lâu dài với Nga về mọi mặt".
Khi xung đột ở Ukraine nổ ra và tháng 2/2022, Nga đã dần mất đi khách hàng khí đốt chính là EU. Đến cuối năm 2023, xuất khẩu khí đốt qua đường ống của Nga sang EU đã giảm 80%.
Nga đang mở rộng kinh doanh ở Trung Quốc, báo hiệu mối quan hệ thương mại năng lượng chặt chẽ hơn. Hợp tác năng lượng Trung Quốc - Nga là trung tâm của quan hệ kinh tế và thương mại song phương trong những năm gần đây.
Nga đang cung cấp khí đốt cho Trung Quốc qua đường ống "Sức mạnh Siberia-1", còn gọi là "Đường ống phương Đông", theo thỏa thuận song phương dài 30 năm. Đường ống bắt đầu hoạt động từ năm 2019 và dự kiến đạt năng suất vận hành tối đa 38 tỷ m3 mỗi năm vào năm 2025.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!