Triều Tiên ghi nhận thêm ca tử vong do COVID-19, Trung Quốc dần nối lại hoạt động bình thường

Quỳnh Chi (Theo Worldometers)-Thứ hai, ngày 16/05/2022 06:23 GMT+7

Hơn 521,09 triệu người trên thế giới đã mắc virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)

VTV.vn - Đến sáng 16/5, thế giới có trên 521,09 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,28 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 84,22 triệu ca mắc và hơn 1,026 triệu trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm gần 12.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 15/5, nước này ghi nhận tổng cộng trên 43,12 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 524,.200 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 664.900 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 30,68 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Hiệp hội Y khoa Australia cảnh báo nguy cơ số ca mắc COVID-19 tại nước này có thể tiếp tục tăng do yếu tố chủ quan của cộng đồng. Thống kê cho thấy, trong 3 ngày liên tiếp từ ngày 11 - 13/5, Australia ghi nhận hơn 50.000 ca mắc mới. Tính đến ngày 13/5, số người tử vong do mắc COVID-19 tại nước này là 7.721 trường hợp, cao hơn 800 ca so với 3 tuần trước đó. Như vậy, số ca mắc mới trong tháng 5 vượt mốc 500.000 và số ca tử vong vượt ngưỡng 500.

Tỷ lệ lây nhiễm bình quân trên đầu người của Australia hiện thuộc hàng cao nhất thế giới và giới chuyên gia dự báo, số ca mắc COVID-19 có khả năng tăng đột biến khi mùa đông cận kề.

Chính phủ Đức không có ý định dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng. Trong một phát biểu tại Berlin, người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Hebestreit cho biết, quy định đeo khẩu trang trên các phương tiện công cộng như xe bus, tàu điện, máy bay, nơi hành khách ngồi cùng nhau trong một không gian hẹp, đã được ban hành vì lý do chính đáng và cho thấy hiệu quả tốt. Do đó, Chính phủ Đức hoàn toàn không có kế hoạch bãi bỏ biện pháp này. Theo ông Hebestreit, người dân cần phải thích nghi với thực tế rằng đại dịch COVID-19 chưa thể biến mất mà sẽ còn kéo dài dai dẳng.

Hiện tại, việc có nên bãi bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang trên các phương tiện công cộng hay không đang được tranh luận rộng rãi ở Đức.

Từ ngày 16/5, đeo khẩu trang không còn là quy định bắt buộc đối với người dân Pháp khi tham gia các phương tiện giao thông công cộng. Tuy nhiên, nhà chức trách Pháp vẫn khuyến khích người dân sử dụng khẩu trang để phòng ngừa dịch bệnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế Pháp cho biết, chương trình tiêm liều thứ tư cho toàn bộ dân số có thể được thực hiện vào mùa yhu tới, tùy thuộc vào sự xuất hiện của các biến thể mới.

Triều Tiên ghi nhận thêm ca tử vong do COVID-19, Trung Quốc dần nối lại hoạt động bình thường - Ảnh 1.

Đức không có ý định dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng. (Ảnh: AP)

Hãng dược phẩm Moderna của Mỹ cho biết, cơ quan quản lý dược phẩm Swissmedic của Thụy Sĩ đã phê duyệt việc sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng này để tiêm cho trẻ trong độ tuổi từ 6-11. Vaccine Moderna được tiêm cho trẻ trong độ tuổi từ 6-11 gồm 2 liều, mỗi liều 50 microgram và cách nhau 4 tuần.

Giới chức y tế Thụy Sĩ khuyến cáo cần mở rộng tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em ở độ tuổi này. Việc tiêm phòng đặc biệt có lợi đối với những trẻ mắc các bệnh nền, giúp giảm thiểu nguy cơ chuyển nặng khi nhiễm COVID-19.

Theo thống kê, đến nay có khoảng 6% trẻ từ 5-11 tuổi tại Thụy Sĩ đã tiêm 2 mũi vaccine ngừa COVID-19. Trước Thụy Sĩ, nhiều nước trên thế giới, trong đó có các nước thành viên Liên minh châu Âu, Anh, Mỹ, Australia và Việt Nam, cũng đã phê duyệt việc sử dụng vaccine của Moderna để tiêm cho trẻ từ 6-11 tuổi.

Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 15/5 cho biết, nước này ghi nhận thêm 15 ca tử vong và 296.180 người có triệu chứng sốt trong đợt dịch COVID-19 đầu tiên bùng phát tại đây. KCNA nêu rõ, với các trường hợp mới được ghi nhận trong thời gian từ tối 13/5 đến tối 14/5, tổng số ca tử vong hiện là 42 ca và tổng số người có biểu hiện sốt kể từ cuối tháng 4 lên hơn 820.620 người. Trong số này, hơn 496.030 người đã bình phục và 324.550 người đang được điều trị.

Thông báo của KCNA không nêu cụ thể có bao nhiêu trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 mà chỉ xác nhận các trường hợp "sốt". Hãng này cho biết thêm, Triều Tiên đã áp dụng "các biện pháp khẩn cấp" để hạn chế sự lây lan của virus. Hiện tượng gia tăng số ca tử vong xuất phát từ nguyên nhân "bất cẩn trong việc dùng thuốc vì thiếu kiến thức và hiểu biết về việc nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 cũng như về phương pháp điều trị."

Triều Tiên đã phong tỏa toàn bộ các tỉnh, thành phố trên cả nước từ ngày 12/5 để phòng dịch sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị và xác nhận, dịch COVID-19 lây lan đang gây ra "xáo trộn lớn kể từ khi thành lập đất nước". Triều Tiên đang tập trung tập huấn tuyên truyền về dịch bệnh cũng như các biện pháp phòng chống dịch cho đội ngũ tuyên truyền viên trên toàn quốc song song với nỗ lực cung cấp thuốc điều trị khẩn cấp đến các cơ sở y tế để điều trị cho bệnh nhân.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố, đất nước đang đối mặt với “biến cố lớn” do sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Trong khi đó, Liên Hợp Quốc khẳng định sẵn sàng hỗ trợ Triều Tiên đối phó với dịch COVID-19.

Với 7 ngày liên tiếp không phát hiện ca dương tính mới với virus SARS-CoV-2, tính đến ngày 14/5, những nỗ lực ứng phó hiệu quả với đại dịch của ngành y tế Campuchia đã tạo đà mạnh mẽ cho quá trình khôi phục toàn bộ các hoạt động kinh tế - thương mại - du lịch - đầu tư tại Campuchia.

Trái ngược với những nhận định về đất nước Chùa Tháp trước đây, quốc gia với nguồn lực kinh tế hạn chế, cơ sở hạ tầng y tế còn nhiều yếu kém, một chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho toàn thể người dân được Campuchia triển khai đầy thành công từ đầu năm 2021, trong đó có hơn 4 triệu học sinh phổ thông.

Theo Thủ tướng Hun Sen, Campuchia là nước có tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 thấp nhất trong ASEAN và đứng thứ 10 trên toàn thế giới về tỷ lệ này. Khoảng 94% trong tổng dân số 16 triệu người Campuchia đã được tiêm chủng ít nhất một liều vaccine ngừa COVID-19.

Ban Chỉ đạo Quốc gia Lào về Phòng chống COVID-19 ra thông báo sẽ ngừng tổ chức họp báo cập nhật số liệu ca mắc hàng ngày kể từ ngày 14/5. Thông báo cho biết, kể từ ngày 14/5, người dân quan tâm đến thông tin về dịch COVID-19, như địa điểm tiêm chủng hoặc xét nghiệm vẫn có thể theo dõi trên trang Facebook của Bộ Y tế và thông tin y học.

Triều Tiên ghi nhận thêm ca tử vong do COVID-19, Trung Quốc dần nối lại hoạt động bình thường - Ảnh 2.

Thượng Hải khôi phục hoạt động bình thường. (Ảnhr: AP)

Kể từ sau Tết cổ truyền dân tộc Lào vào trung tuần tháng 4 vừa qua, số ca mắc COVID-19 tại nước này đã giảm mạnh. Trong ngày cuối cùng họp báo cập nhật (ngày 13/5), Bộ Y tế Lào cho biết, nước này chỉ ghi nhận thêm 78 ca, thấp hơn rất nhiều so với mức 2.556 ca khi ở đỉnh dịch. Tính tới nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 209.386 ca mắc COVID-19, trong đó có 754 người thiệt mạng.

Tỷ lệ tiêm vaccine mũi 1 của Lào đạt 78,88%, trong khi tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi chỉ định là 67,57% dân số cả nước. Trong đó, tỷ lệ tiêm chủng ở các thành phố du lịch lớn như thủ đô Vientiane, Luang Prabang và Vang Vieng đã đạt gần 100%.

Thành phố Thượng Hải, trung tâm tài chính và sản xuất của Trung Quốc, sẽ dần nối lại hoạt động bình thường. Động thái thể hiện nỗ lực khống chế đại dịch của thành phố đã thu được kết quả. Phó Thị trưởng thành phố Thượng Hải ngày 15/5 cho biết, các trung tâm thương mại, siêu thị... .sẽ mở cửa lại từ ngày 16/5. Tiệm làm tóc và chợ rau cũng sẽ mở cửa trở lại với sức chứa hạn chế. Danh sách các doanh nghiệp xuất khẩu được hoạt động trở lại cũng sẽ sớm được công bố.

Thượng Hải đã bị phong tỏa trong hơn sáu tuần qua để kiểm soát diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Một lượng lớn hàng hóa bị ách tắc tại các cảng biển của Thượng Hải đã gây ra sự chậm trễ và hỗn loạn đáng kể trong công tác giao hàng trên toàn thế giới.

Chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) cho rằng, virus SARS-CoV-2 vẫn đang lây lan tại một số khu vực của hòn đảo này, trong bối cảnh lực lượng chức năng gần đây phát hiện virus trong một số mẫu nước thải.

Để có thể xác định các ca nhiễm, nhà chức trách Hong Kong sẽ phân phát 135.000 bộ xét nghiệm kháng nguyên nhanh COVID-19 cho người dân, công nhân vệ sinh và các đối tượng làm việc tại những khu vực có kết quả xét nghiệm nước thải dương tính với virus SARS-CoV-2. Chính quyền cũng đề nghị người dân có kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh dương tính với virus SARS-CoV-2 báo cáo thông qua nền tảng trực tuyến của chính quyền.

Trong thời gian gần đây, lực lượng chức năng Hong Kong đã thu thập các mẫu nước thải ở tất cả các quận để xét nghiệm virus SARS-CoV-2.

Nguy cơ biến thể Delta xuất hiện trở lại ở Đức Nguy cơ biến thể Delta xuất hiện trở lại ở Đức WHO: Vaccine ngừa COVID-19 có thể hoàn toàn suy giảm hiệu quả theo thời gian WHO: Vaccine ngừa COVID-19 có thể hoàn toàn suy giảm hiệu quả theo thời gian Khuyến khích tiêm mũi vaccine tăng cường thứ hai Khuyến khích tiêm mũi vaccine tăng cường thứ hai

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước