Máy bay trong cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn Quốc Vigilant Storm tại Cheongju. (Ảnh: Yonhap)
Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) tuyên bố, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Triều Tiên nêu rõ, Mỹ và Hàn Quốc đã tổ chức cuộc tập trận không quân chung lớn nhất từ trước đến nay và hai nước cần chấm dứt cuộc tập trận này.
Bình Nhưỡng cho biết sẽ đáp trả bất cứ nỗ lực nào nhằm xâm phạm chủ quyền, gây tổn hại tới lợi ích an ninh của nước này.
Tình hình trên bán đảo Triều Tiên gia tăng căng thẳng khi Triều Tiên thực hiện nhiều vụ phóng tên lửa, trong khi Hàn Quốc và Mỹ tiến hành cuộc tập trận không quân chung mang tên Vigilant Storm kéo dài trong 5 ngày (đến ngày 4/11), huy động 240 máy bay chiến đấu tàng hình F-35A và F-35B. Ngoài ra, quân đội Mỹ cũng triển khai tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Los Angeles Key West (SSN-722, lớp 6.000 tấn) đến cảng Busan (Hàn Quốc).
Quyết định kéo dài thời gian tập trận được đưa ra vào ngày 3/11 sau những diễn biến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Riêng trong các ngày 2 và 3/11, Triều Tiên đã phóng tổng cộng 26 tên lửa ra các vùng biển phía Đông và phía Tây nước này. Trong số các tên lửa được phóng đi có một tên lửa rơi gần lãnh hải Hàn Quốc và một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mà phía Hàn Quốc cho là Hwasong-17.
Máy bay chiến đấu F-35A của Hàn Quốc tham gia cuộc tập trận chung Vigilant Storm với Mỹ tại Cheongju ngày 1/11/2022. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)
Đây là vụ phóng ICBM thứ 7 của Triều Tiên kể từ đầu năm đến nay, trong đó lần gần nhất trước đây được tiến hành trong tháng 5 vừa qua.
Trước tình hình này, vào ngày 3/11, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nhấn mạnh tầm quan trọng trong hợp tác giữa nước này và Hàn Quốc. Trong thông điệp gửi tới cuộc họp chung thường niên của Liên minh Hữu nghị nghị viện Hàn - Nhật, ông Fumio Kishida nêu rõ, chưa có thời điểm nào quan trọng hơn bây giờ đối với hợp tác Hàn - Nhật, Hàn - Mỹ - Nhật. Coi Hàn Quốc là quốc gia láng giềng quan trọng cần hợp tác để ứng phó với các thách thức khác nhau, Thủ tướng Kishida nhấn mạnh, Chính phủ Nhật Bản sẽ liên lạc chặt chẽ với Chính phủ Hàn Quốc.
Theo nhật báo Nikkei, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng đang xem xét việc triển khai tên lửa siêu vượt âm vào năm 2030 nhằm tăng cường khả năng răn đe và phòng vệ của nước này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!