Tên lửa đẩy Chollima-1 mang theo vệ tinh trinh sát Malligyong-1 rời bệ phóng tại bãi phóng vệ tinh Sohae. (Ảnh: KCNA/TTXVN)
Ngày 22/11, hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), đưa tin Cơ quan Công nghệ Hàng không Vũ trụ Quốc gia Triều Tiên (NATA) đã phóng thành công loại tên lửa đẩy mới có tên là Chollima-1 mang theo vệ tinh trinh sát Malligyong-1 từ bãi phóng vệ tinh Sohae ở quận Cholsan, tỉnh Bắc Phyongan, lúc 22h42 ngày 21/11 (giờ địa phương, tức 20h42 theo giờ Hà Nội).
Theo KCNA, tên lửa đẩy Chollima-1 đã di chuyển một cách bình thường dọc theo đường bay định sẵn và đưa vệ tinh trinh sát Malligyong-1 chính xác vào quỹ đạo lúc 22h54 phút, tức 705 giây sau khi phóng.
KCNA khẳng định, vụ phóng vệ tinh là quyền hợp pháp của Bình Nhưỡng nhằm tăng cường năng lực tự vệ. Và sự thành công nêu trên sẽ góp phần đáng kể vào quá trình nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Triều Tiên trước môi trường an ninh trong và ngoài khu vực.
Cũng theo KCNA, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã thị sát vụ phóng tại hiện trường và nhiệt liệt chúc mừng toàn thể đội ngũ cán bộ, nhà khoa học, kỹ thuật viên của NATA cùng các cơ quan hữu quan đã đạt được thành tựu to lớn, góp phần nâng cao năng lực răn đe chiến tranh của Triều Tiên, cũng như thực hiện một cách chính xác nhất và xuất sắc nhất nghị quyết của Đại hội lần thứ VIII Đảng Lao động Triều Tiên.
Tại Hội nghị toàn thể lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên khóa VIII, NATA sẽ trình bày kế hoạch tiếp tục đảm bảo khả năng do thám khu vực phía Nam bán đảo Triều Tiên và khu vực có lợi ích tác chiến của quân đội Triều Tiên thông qua chương trình phóng thêm một số vệ tinh trinh sát trong một khoảng thời gian ngắn.
Vụ phóng được tiến hành sau hai lần thất bại vào tháng 5 và tháng 8 vừa qua. Vụ phóng mới nhất của Triều Tiên diễn ra 89 ngày sau khi nỗ lực thứ hai đưa vệ tinh vào quỹ đạo gặp thất bại do lỗi phát sinh từ hệ thống kích nổ khẩn cấp trong hành trình bay thuộc giai đoạn 3 hôm 24/8. Lần phóng vệ tinh trinh sát đầu tiên vào ngày 31/5 cũng không thành công do độ ổn định thấp của hệ thống động cơ kiểu mới được ứng dụng cho tên lửa đẩy Chollima-1 và đặc tính không ổn định của nhiên liệu.
Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ đã ngay lập tức bày tỏ quan ngại trước vụ phóng vệ tinh của Bình Nhưỡng. Đặc phái viên hạt nhân của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đã tổ chức điện đàm, chia sẻ các thông tin về vụ việc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!