Trong bối cảnh tình hình quốc tế đang diễn biến phức tạp, hôm 12/11, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Iwaya Takeshi đã đề cập đến những trọng điểm trong chính sách ngoại giao của nước này trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh quan hệ với Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc.
Trọng tâm chính sách đối ngoại của Nhật Bản
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết Tokyo sẽ tập trung thực hiện 3 trụ cột chính của ngành ngoại giao nước này gồm củng cố hơn nữa năng lực ứng phó và răn đe của liên minh Nhật - Mỹ (vốn được xác định là trụ cột của ngoại giao và an ninh); thúc đẩy mạnh mẽ sáng kiến "Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở" và tăng cường hợp tác cụ thể với các quốc gia thuộc khu vực Nam bán cầu.
Giới chức Ngoại giao Nhật Bản nhấn mạnh Liên minh Nhật - Mỹ vẫn là ưu tiên hàng đầu trong chính sách ngoại giao và an ninh của Nhật Bản. Nhật Bản muốn xây dựng mối quan hệ tin cậy và hợp tác chặt chẽ với chính quyền Mỹ sắp tới, khi Tổng thống đắc cử Donald Trump sắp nhậm chức.
Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba và Chánh văn phòng Nội các Yoshimasa Hayashi tham dự phiên họp tại Hạ viện Quốc hội ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 11/11 (Ảnh: China Daily)
Về quan hệ Nhật Bản - Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Iwaya Takeshi cho biết hướng đi cơ bản là thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược cùng có lợi một cách toàn diện với Bắc Kinh. Mặc dù giữa hai nước đang có những vấn đề cần giải quyết nhưng Nhật Bản sẽ kiên định với lập trường xây dựng một mối quan hệ mang tính xây dựng và ổn định với Trung Quốc.
Về quan hệ với Hàn Quốc, Nhật Bản cũng coi đây là một mối quan hệ song phương quan trọng. Bộ trưởng Takeshi bày tỏ mong muốn tiếp tục tiến xa hơn mối quan hệ Nhật - Hàn, vốn đã được cải thiện đáng kể trong giai đoạn Thủ tướng Kishida Fumio nắm quyền.
Giới chức Nhật Bản nhấn mạnh sứ mệnh hàng đầu của ngoại giao Nhật Bản không chỉ là bảo vệ hòa bình của đất nước thông qua các nỗ lực ngoại giao mà còn đóng góp tối đa để hiện thực hóa hòa bình và hòa giải trong cộng đồng quốc tế.
Những điểm khác biệt trong trọng tâm chính sách mới của Nhật Bản
Thủ tướng Ishiba Shigeru kể từ khi lên nắm quyền đã tuyên bố kế thừa chính sách ngoại giao của người tiền nhiệm là cựu Thủ tướng Kishida Fumio. Và 3 trụ cột ngoại giao mà tân Bộ trưởng Iwaya Takeshi mới đây tuyên bố cũng đã được triển khai dưới thời cựu Thủ tướng Kishida.
Theo các nhà phân tích, điểm đáng chú ý của chính sách ngoại giao của Thủ tướng Ishiba là làm thế nào triển khai có hiệu quả "chính sách ngoại giao kế thừa", có được kết quả cụ thể, có được thành quả đối ngoại mà chính quyền tiền nhiệm chưa làm đượ ổn định quan hệ với Trung Quốc trong bối cảnh gia tăng cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung. Củng cố liên minh Nhật - Mỹ nhằm tăng cường sự hiện diện hơn nữa vai trò của Mỹ tại châu Á, thực hiện cuộc gặp thượng đỉnh Nhật Bản - Triều Tiên
Ngoài ra, chính sách đối ngoại phải tập trung giải quyết vấn đề an ninh đối với môi trường xung quanh Nhật Bản.
Thủ tướng Shigeru Ishiba (trái) bắt tay với lãnh đạo Đảng Dân chủ Lập hiến đối lập Nhật Bản Yoshihiko Noda vào ngày 11/11 tại Tokyo (Ảnh: Mainichi)
Thách thức trong việc triển khai chính sách đối ngoại của Nhật Bản
Việc triển khai chính sách đối ngoại của Thủ tướng Ishiba sẽ khó khăn hơn nhiều so với những người tiền nhiệm. Đầu tiên là liên minh cầm quyền không chiếm đa số trong Quốc hội Nhật Bản, đồng nghĩa với việc một chính sách đối ngoại cần thông qua quốc hội của Nội các Ishiba dễ dàng bị phủ quyết bởi các đảng đối lập. Thực tế là 7/17 thành viên Ủy ban Hạ viện Nhật Bản đã do các đảng đối lập nắm giữ, bao gồm cả ủy ban rất quan trọng là Ủy ban về Ngân sách Hạ viện.
Thứ hai là những thách thức đến từ bên ngoài như môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản được đánh giá là nghiêm trọng như căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, xung đột Nga - Ukraine, tranh chấp lãnh thổ trên biển, cạnh tranh Trung - Mỹ… Chính quyền mới tại Mỹ cũng được xem là thách thức đối ngoại với Thủ tướng Ishiba khi dự báo Tokyo có thể đối mặt với nhiều vấn đề như căng thẳng thương mại, tăng thuế hay áp lực tăng chi tiêu quốc phòng đối với Nhật Bản.
Trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới đang rất phức tạp và Nhật Bản đang phải đối mặt với một môi trường an ninh khắc nghiệt nhất kể từ sau chiến tranh đến nay, có thể thấy đường lối đối ngoại mới của Nhật Bản là nhằm tạo thêm thế và lực, khả năng răn đe, phòng ngừa của nước này. Trong các chính sách mới, Nhật Bản cũng sẽ tiếp tục làm sâu sắc thêm quan hệ với ASEAN, coi đây là một trong các nòng cốt của quá trình triển khai chính sách.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!