Ông Trương Hán Huy đã đưa ra nhận xét trên trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với hãng thông tấn TASS của Nga được công bố hôm 3/8, nhắc lại những cảnh báo lặp đi lặp lại của Bắc Kinh về sự nguy hiểm của việc đưa NATO do Mỹ lãnh đạo vào khu vực phía Đông và đặc biệt là châu Á - Thái Bình Dương.
"Chúng tôi khuyến cáo Nhật Bản và các nước khác nên học những bài học lịch sử một cách đầy đủ: Họ không nên đơn phương phá hoại hòa bình và ổn định trong khu vực mà không cân nhắc lập trường của các quốc gia khác, họ không nên trở thành những người ủng hộ việc mở rộng NATO vào khu vực phía Đông. Giống như người ta nói: "Nếu để sói vào cùng bầy cừu, nó sẽ cắn từng con một", nhà ngoại giao Trung Quốc nói.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio (phải) và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg họp báo chung tại Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản ở Tokyo, ngày 31/1/2023. (Ảnh: Kyodo)
Đầu năm nay, NATO đã xem xét mở văn phòng liên lạc tại Nhật Bản, đây sẽ trở thành cơ sở đầu tiên của khối này trong khu vực. Trong khi Tokyo cho biết đang xem xét ý tưởng này, xung quanh chuyến thăm Trung Quốc gần đây của Tổng thống Macron, Pháp được cho là đã bác bỏ dự án, nhấn mạnh rằng thay vào đó NATO nên tiếp tục giới hạn ở Bắc Đại Tây Dương.
Động thái tiềm năng này đã khiến Trung Quốc phản đối mạnh mẽ, với việc Bắc Kinh cam kết sẽ thể hiện "phản ứng kiên quyết" nếu NATO cố gắng tiến gần hơn đến biên giới của họ. Hồi tháng 7, Trung Quốc cam kết sẽ "bảo vệ chủ quyền của mình" và phản đối "sự bành trướng về phía Đông của NATO sang châu Á - Thái Bình Dương", cảnh báo rằng "bất kỳ hành động nào gây tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của Trung Quốc sẽ bị đáp trả kiên quyết".
Ý tưởng về việc mở văn phòng liên lạc của NATO tại Nhật Bản dường như đã bị gác lại cho đến nay. Nhiều báo cáo của các phương tiện truyền thông cho thấy, liên minh quân sự này sẽ xem xét thiết lập một cơ sở ở Tokyo vào mùa thu năm nay hoặc thậm chí muộn hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!