SMIC sẽ là vụ IPO lớn nhất trong 1 thập kỷ qua trên thị trường Trung Quốc đại lục (Nguồn: Reuters)
Semiconductor Manufacturing International Corp. (SMIC), nhà sản xuất chip xử lý số 1 của Trung Quốc vừa chính thức công bố kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu trên sàn chứng khoán Thượng Hải. Với mức giá dự kiến khoảng 27,5 Nhân dân tệ/cổ phiếu, công ty này kì vọng có thể thu về 53,2 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 7,5 tỷ USD), trở thành vụ IPO lớn nhất trên thị trường Trung Quốc đại lục, kể từ sau thương vụ niêm yết của Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc hồi năm 2010.
Trước khi nộp hồ sơ tại Star Market – sàn con của Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải (SSE) nhằm cạnh tranh với Nasdaq của Mỹ, SMIC hiện đang niêm yết tại sàn Hong Kong (Trung Quốc) (HKEX). Sau khi thông báo IPO được đưa ra, giá cổ phiếu của công ty tại HKEX đã bật tăng tới 20% trong phiên.
SMIC sẽ được niêm yết tại Star Market – sàn "Nasdaq" của Trung Quốc thuộc Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải (Nguồn: Reuters)
Vụ niêm yết của SMIC cũng đánh dấu làn sóng "trở về sân nhà" của các công ty Trung Quốc tiếp tục lớn mạnh. Một ví dụ tiêu biểu cho xu thế này là việc lần lượt Alibaba, Net Ease và JD.com, các ông lớn trong lĩnh vực Internet Trung Quốc và đều đang hiện diện ở Phố Wall, đã quay về niêm yết song song tại HKEX từ cuối năm ngoài.
SMIC và tham vọng của Trung Quốc trong cuộc đua công nghệ toàn cầu
Trên thực tế, vụ IPO của SMIC đã được "bật đèn xanh" ngay từ hôm 19/6 vừa qua khi giới chức điều hành sàn Star Market đã xét duyệt nhanh chóng hồ sơ của công ty này, chỉ mất 2 tuần cho một quy trình thông thường phải kéo dài nhiều tháng.
Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã nới lỏng các điều kiện niêm yết chứng khoán nhằm giúp ngành công nghệ nước này dễ dàng hơn trong việc huy động vốn, để cạnh tranh với các đối thủ quốc tế, đặc biệt là trong những lĩnh vực trọng điểm như chip bán dẫn.
Thành lập vào năm 2000, SMIC hiện là nhà sản xuất chip lớn nhất của Trung Quốc đại lục. Việc tự chủ ngành công nghiệp bán dẫn trong nước, giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài đang ngày càng được Trung Quốc quan tâm, đặc biệt là sau các động thái của Mỹ hạn chế xuất khẩu công nghệ cho các công ty Trung Quốc như là Huawei.
Trung Quốc đang nỗ lực tự chủ ngành công nghiệp bán dẫn, sau các đòn giáng mạnh của Mỹ nhằm vào Huawei (Nguồn: Reuters)
Từ năm ngoái, công ty này đã bắt đầu sản xuất hàng loạt chip theo quy trình 14 nanomet, một trong những thế hệ chip tiên tiến nhất hiện nay, nhưng vẫn còn thua kém khá xa so với đối thủ Đài Loan TSMC – hãng gia công chip số 1 thế giới. Trong khi SMIC được dự báo sẽ cần thêm 1-2 năm nữa để hoàn thiện công nghệ 14 nanomet, thì TSMC đã có thể phát triển tới thế hệ chip 5 nanomet, có sức mạnh tính toán vượt xa các thế hệ đang có trên thị trường.
Năm ngoái, SMIC báo cáo lợi nhuận 1,8 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 256 triệu USD), trong khi con số của TSMC lên tới hơn 11 tỷ USD. Bất chấp những thách thức, giới chức Trung Quốc đang kỳ vọng sẽ rút ngắn khoảng cách nhờ vào nguồn lực đầu tư mạnh mẽ. Trước vụ IPO tại Thượng Hải, SMIC cũng đã vừa được rót vốn hơn 2,2 tỷ USD từ các quỹ đầu tư của chính phủ Trung Quốc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!