Trung Quốc có thể bước vào thời kỳ giảm phát kéo dài

Thế giới hôm nay-Thứ năm, ngày 10/08/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Nhiều nhà phân tích lo ngại tình trạng giảm phát sẽ kéo dài hơn trong lần này, khi các động lực tăng trưởng chính của Trung Quốc bị đình trệ.

Số liệu từ Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố hôm nay cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá sản xuất (PPI) - những thước đo chủ chốt của lạm phát - trong tháng 7 vừa qua đồng loạt giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là lần sụt giảm đầu tiên trong hơn hai năm qua của giá tiêu dùng tại Trung Quốc.

Hoạt động chi tiêu trong nước yếu đã gây sức ép lên quá trình phục hồi kinh tế hậu đại dịch của quốc gia tỷ dân. Chỉ số giá sản xuất (PPI), đo lường sự thay đổi của giá hàng hóa thương phẩm, cũng giảm 4,4% trong cùng giai đoạn, đánh dấu tháng giảm thứ 10 liên tiếp. Giá sản xuất giảm thường đồng nghĩa với việc tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp cũng đi xuống. Trước đó, vào 8/8 thống kê cũng cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc giảm ở mức cao nhất trong hơn 3 năm.

Trung Quốc từng trải qua một giai đoạn giảm phát ngắn vào cuối năm 2020, đầu năm 2021, do sự lao dốc của giá thịt lợn - loại thịt được tiêu thụ nhiều nhất ở nước này. Hiện nhiều nhà phân tích lo ngại tình trạng giảm phát sẽ kéo dài hơn trong lần này, khi các động lực tăng trưởng chính của Trung Quốc bị đình trệ.

Ông Lưu Quốc Cường - Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc: "Kể từ đầu năm nay, mức tăng CPI hàng năm đã liên tục dao động và giảm xuống. Chỉ số này giảm trong tháng 7, chủ yếu là do nhu cầu phục hồi chậm và mức cơ sở so sánh cao của năm ngoái".

Trung Quốc có thể bước vào thời kỳ giảm phát kéo dài - Ảnh 1.

Ông Trâu Lan - Giám đốc Vụ Chính sách Tiền tệ, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc: "Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ thực hiện các chính sách dựa trên nhu cầu của nền kinh tế. Tiếp tục thực hiện cơ chế định giá lãi suất tiền gửi theo định hướng thị trường để duy trì trật tự cạnh tranh trên thị trường tiền gửi, thúc đẩy ổn định chi phí nợ ngân hàng và tăng cường khả năng tài chính để liên tục hỗ trợ nền kinh tế".

Đương đầu với áp lực giảm phát

Những số liệu khá ảm đạm cùng với tình hình thế giới đã khiến cho mở cửa thị trường chứng khoán, các chỉ số chính như Shanghai Composite, Shenzhen Component, HangSeng Index đều giảm. Sáng qua,Ngân hàng Nhân dân, tức Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng ấn định tỷ giá đồng Nhân dân tệ thấp nhất kể từ 12/7.

Thật ra, cơ quan chức năng Trung Quốc đã dùng nhiều biện pháp kích thích nhu cầu trong nước như đẩy mạnh kích cầu tiêu thụ xe ô tô điện, giảm thuế, kêu gọi doanh nghiệp tăng khuyến mãi, giữ nguyên giảm thuế VAT cho doanh nghiệp nhỏ vừa và doanh nghiệp công nghệ đến năm 2027, đẩy mạnh kích cầu bất động sản bằng cách giảm lãi suất cho vay, nới lỏng nhiều quy định mua nhà… Nhưng chưa đủ tạo niềm tin cho các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất và người dân móc mạnh hầu bao vì cả hai đều tiếp tục chờ đợi.

Các chuyên gia đang chờ đợi giải pháp toàn diện và mạnh mẽ hơn để kích thích nhu cầu. Mong cam kết mới đây của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sớm thành hiện thực về hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng, cắt giảm lãi suất huy động để các ngân hàng thương mại có cơ sở cắt giảm lãi suất cho vay.

Các chuyên gia kỳ vọng, việc cắt giảm lãi suất áp dụng ngay cho các khoản cho vay thế chấp mua nhà của người dân có thể giúp các hộ gia đình giảm được 165 tỷ Nhân dân tệ (tức 22,9 tỷ USD), đẩy mạnh triển khai trái phiếu chính quyền địa phương đặc biệt để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, bù đắp cho bất động sản giảm.

Trung Quốc có thể bước vào thời kỳ giảm phát kéo dài - Ảnh 2.

Giảm phát có thể thúc đẩy chính phủ xem xét kích thích tài chính bổ sung

Hãng thông tấn Reuters trích dẫn phản ứng của một số chuyên gia về những diễn biến mới nhất của nền kinh tế thứ hai thế giới.

Ông Đào Xuyên, nhà phân tích vĩ mô tại Công ty chứng khoán Soochow ở Bắc Kinh, cho rằng các biện pháp kích thích mạnh mẽ sau cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc hồi tháng 7 sẽ cần thời gian để tạo ra tác động. Ông dự báo, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có thể cắt giảm lãi suất thêm 10 điểm cơ bản từ nay tới cuối năm. Ông Đào cho rằng, sẽ không mất quá nhiều thời gian để dữ liệu kinh tế Trung Quốc chạm đáy và dần phục hồi.

Tuy nhiên, Chủ tịch kiêm nhà kinh tế trưởng của Công ty Quản lý Tài sản Pinpoint, Chương Chí Vĩ, tỏ ra thận trọng hơn. Ông Chương cho rằng, ở giai đoạn hiện nay vẫn chưa thể khẳng định liệu các chính sách được công bố gần đây có thể sớm xoay chuyển đà tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc hay không. Giảm phát có thể thúc đẩy Chính phủ Trung Quốc xem xét kích thích tài chính bổ sung để giảm thiểu thách thức.

Trang tin BBC của Anh lý giải vì sao kinh tế Trung Quốc giảm phát sẽ là vấn đề đối với kinh tế toàn cầu.

Trung Quốc sản xuất một tỷ lệ lớn hàng hóa được bán trên khắp thế giới. Dù giảm phát trong một thời gian ở nước này có thể giúp kiềm chế giá cả tăng cao ở những nơi khác, nhưng nếu hàng giảm giá của Trung Quốc tràn ngập thị trường toàn cầu, thì có thể tác động tiêu cực đến các nhà sản xuất ở các quốc gia khác. Điều đó có thể ảnh hưởng đến đầu tư của doanh nghiệp và siết chặt thị trường việc làm.

Trung Quốc có thể bước vào thời kỳ giảm phát kéo dài - Ảnh 3.

Giá cả sụt giảm ở Trung Quốc cũng có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp và chi tiêu của người tiêu dùng nước này, có thể khiến tỷ lệ thất nghiệp cao hơn.

Việc này có thể dẫn đến sự sụt giảm nhu cầu từ thị trường lớn nhất thế giới này đối với năng lượng, nguyên liệu thô, thực phẩm, và sẽ tác động đến xuất khẩu toàn cầu.

Kênh CNBC dẫn nguồn tổ chức Oxford Economics dự đoán về các số liệu kinh tế của Trung Quốc trong thời gian tới.

Nhà kinh tế của Oxford Economics Louise Loo dự báo CPI của Trung Quốc sẽ tăng 0,5% trong năm nay và chỉ số PPI sẽ giảm 3,5%. Chuyên gia này cũng nhận định: "Nhu cầu yếu trong quý 2 của Trung Quốc có thể là do các biện pháp kích cầu tương đối hạn chế trong thời kỳ COVID-19, nhiều năm thắt chặt quy định quản lý và cơn suy thoái tiếp diễn của thị trường nhà ở".

Dự kiến, vào thứ ba tới, Trung Quốc sẽ công bố doanh số bán lẻ, sản xuất công nghiệp và các dữ liệu khác cho thấy thông tin tổng quan về hoạt động kinh tế trong tháng 7. Mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của Bắc Kinh cho năm nay là 5%, mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, ban đầu được coi là thận trọng, nhưng dữ liệu yếu liên tục trong nhiều tháng đã làm tăng thêm tâm lý bi quan về triển vọng tăng trưởng.

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang chậm lại Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang chậm lại

VTV.vn - Theo các chuyên gia, đà tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại, trong bối cảnh Bắc Kinh đến nay vẫn do dự về phương án đưa ra gói kích thích quy mô lớn hơn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước