Trung Quốc có thể tiếp tục duy trì chiến lược "Zero COVID" trong bao lâu?

Huệ Anh-Thứ hai, ngày 08/11/2021 18:54 GMT+7

VTV.vn - Là quốc gia cuối cùng theo đuổi mục tiêu "Zero COVID", Trung Quốc đang bắt đầu chứng kiến những biện pháp hạn chế xã hội gây tổn hại cho nền kinh tế.

Giới chức Trung Quốc hiện vẫn đang kiên quyết theo đuổi chiến lược "Zero COVID", tức "quét sạch ca nhiễm trong cộng đồng", ngay cả khi biến thể Delta tiếp tục lây lan và tác động tiêu cực đến hệ thống y tế. Điều này có nghĩa là trong trường hợp Trung Quốc ghi nhận chỉ một hoặc vài ca nhiễm, quốc gia này vẫn có thể tiến hành phong tỏa toàn bộ một thành phố, sau đó truy vết F0 cho đến khi không còn ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Nhiều biện pháp ứng phó như xét nghiệm diện rộng, phong tỏa vùng dịch hay hạn chế đi lại đã được áp dụng, song số ca mắc mới trong ngày tại Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Nhiều thành phố đang phải vật lộn đối phó với đợt bùng phát dịch mới đã lan rộng tại 20 trên tổng số 31 tỉnh của Trung Quốc với tốc độ mạnh nhất kể từ khi virus SARS-CoV-2 lần đầu tiên xuất hiện tại Vũ Hán hồi năm 2019.

Là quốc gia cuối cùng theo đuổi mục tiêu "Zero COVID", Trung Quốc đang có nguy cơ chứng kiến những biện pháp hạn chế phòng, chống dịch kéo dài bắt đầu làm tổn hại đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Câu hỏi đặt ra lúc này là Trung Quốc có thể tiếp tục duy trì chiến lược này trong bao lâu khi mà các nước khác đều đang dần học cách sống chung với COVID-19?

"Trung Quốc khó mở cửa trở lại trong vòng một năm tới"

Ông Chen Zhengming, giáo sư dịch tễ học tại Đại học Oxford, cho biết: "Theo tôi, Trung Quốc có thể sẽ không mở cửa trở lại trong vòng một năm tới đây". Ông cũng nhấn mạnh, nếu Trung Quốc không sớm triển khai các mũi tiêm tăng cường và tốc độ lây lan của đợt dịch mới không có dấu hiệu thuyên giảm, quốc gia này sẽ càng khó quay lưng với "Zero COVID".

Nếu Trung Quốc quyết định từ bỏ chiến lược này thì có thể sẽ chọn một vài thành phố để thử nghiệm, song vẫn kiên quyết đảm bảo kiểm soát tốt các rủi ro. Tuy nhiên, thời điểm đó được nhận định là khó đoán, bởi "ngay cả khi quyết định cô lập đất nước trong vòng 3 đến 4 năm tới, Trung Quốc vẫn có thể tự cung tự cấp nhờ quy mô ngành sản xuất khổng lồ".

Trung Quốc có thể tiếp tục duy trì chiến lược Zero COVID trong bao lâu? - Ảnh 1.

Một số chuyên gia nhận định Trung Quốc có thể sẽ không mở cửa trở lại trong vòng một năm tới. (Ảnh: Reuters)

Ông Gary Bowerman, giám đốc công ty du lịch lữ hành Check-in Asia, cho biết: "Chúng tôi thực sự không biết khi nào Trung Quốc sẽ mở cửa biên giới. Chắc chắn là họ sẽ không mở cửa trước Thế vận hội Mùa đông đâu. Có thể là quý II năm sau hoặc năm sau nữa".

Nguyên nhân khiến Trung Quốc trì hoãn kế hoạch mở cửa một phần đến từ chính hệ thống y tế nước này. Theo ông Jason Wang, giáo sư tại Đại học Stanford, với quy mô dân số như hiện nay, khả năng Trung Quốc có thể kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh sau một đợt bùng phát là tương đối thấp. Ông Wang cho biết: "Chỉ một làn sóng dịch quy mô nhỏ cũng có thể khiến các bệnh viện quá tải và gây ra nhiều bất ổn cho xã hội. Vậy nên, rất khó để dự đoán Trung Quốc sẽ còn duy trì chính sách Zero Covid trong bao lâu. Có thể là trong một khoảng thời gian dài đấy".

Theo ông Yanzhong Huang, chuyên gia cấp cao về sức khoẻ toàn cầu thuộc Hội đồng Quan hệ đối ngoại (Council on Foreign Relations), Trung Quốc gần như sẽ không thay đổi quyết định của mình, ít nhất cho tới khi Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 20 diễn ra. Ông nhận định: "Chính phủ Trung Quốc sẽ không cho phép và cũng không để bất kỳ rủi ro nào xảy ra trước thời điểm quan trọng đó".

Trung Quốc có thể tiếp tục duy trì chiến lược Zero COVID trong bao lâu? - Ảnh 2.

Một điểm xét nghiệm tại Trung Quốc (Ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, theo bác sĩ Peter Collignon thuộc Đại học Quốc gia Australia, sự gia tăng đột biến các ca nhiễm mới trong mùa đông này có thể buộc giới chức Trung Quốc cân nhắc lại chính sách của mình.

"Có thể là vào tháng Giêng, khi virus vẫn tiếp tục lây lan mạnh mẽ. Trung Quốc sẽ chợt nhận ra họ phải sống chung với COVID-19. Trước đây, New Zealand, Australia và Singapore cũng từng áp dụng những chính sách giống Trung Quốc, song các ổ dịch mới vẫn xuất hiện và tái bùng phát trong những tháng mùa đông".

Cách tiếp cận cản trở đà phục hồi của Trung Quốc

Cách tiếp cận của Trung Quốc hiện nay được kỳ vọng có thể hạn chế phần nào những tác động tiêu cực từ các đợt bùng phát dịch quy mô lớn, song theo nhiều chuyên gia, chính sách "Zero COVID" sẽ hạn chế tiềm năng phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhất là khi nhiều quốc gia đã bắt đầu tái mở cửa.

Bà Jessica Tea, chuyên gia tư vấn tại tập đoàn BNP Paribas Asset Management Asia, nhận định: "Dù công nghệ và các cổ phiếu liên quan đến lĩnh vực chuyển đổi năng lượng sẽ tăng trưởng trong năm 2022, song "Zero COVID" có thể làm chậm tốc độ phục hồi của ngành dịch vụ tiêu dùng".

Trung Quốc có thể tiếp tục duy trì chiến lược Zero COVID trong bao lâu? - Ảnh 3.

"Zero COVID" có thể hạn chế tiềm năng phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhất là khi nhiều quốc gia đã bắt đầu tái mở cửa (Ảnh: Reuters)

Ông Jason Brady, Giám đốc điều hành của công ty quản lý đầu tư Thornburg Investment Management, cũng cho rằng sự khác biệt về chính sách của Trung Quốc với phần còn lại của thế giới "sẽ ngày càng rõ rệt".

Ông Shuang Ding, chuyên gia kinh tế trưởng tại Ngân hàng Standard Chartered - chi nhánh Hong Kong (Trung Quốc), cũng nhấn mạnh hướng đi của Trung Quốc "có thể hạn chế tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế". Chính vì vậy, ông cho rằng, Trung Quốc chỉ nên theo đuổi "Zero COVID" cho đến khi Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc kết thúc. Khi đó, nước này có thể cân nhắc mở cửa trở lại dựa trên kinh nghiệm của một số quốc gia đã chấp nhận sống chung với COVID-19.

Người dân đã "thấm mệt" với "Zero COVID"

Không chỉ bắt đầu tác động tiêu cực đến nền kinh tế, chính sách "Zero COVID" còn ảnh hưởng tới đời sống vật chất và tinh thần của người dân Trung Quốc.

Thành phố Thụy Lệ ở tỉnh Vân Nam là minh chứng. Chỉ trong một năm, người dân thành phố đã phải trải qua 4 lần phong tỏa, mỗi đợt kéo dài tới gần 1 tháng. Nhiều người chọn cách rời khỏi thành phố trong khoảng thời gian giữa các đợt phong tỏa, song đều bị yêu cầu trả phí 21 ngày cách ly trước khi khởi hành.

Điều này khiến người dân thành phố Thụy Lệ cảm giác như mình bị xa lánh. Một cư dân chia sẻ: "Tôi cảm thấy cả thành phố đang bị kì thị, như thể chúng tôi không sống ở Trung Quốc vậy".

Trung Quốc có thể tiếp tục duy trì chiến lược Zero COVID trong bao lâu? - Ảnh 4.

Thành phố Thụy Lệ, tỉnh Vân Nam là minh chứng cho sự khắc nghiệt của chiến lược "Zero COVID" (Ảnh: Reuters)

Nhiều người, trong đó có ông Liu Bin - 59 tuổi, đã sống hàng tháng trời mà không có thu nhập, bởi thành phố vốn phụ thuộc nhiều vào du lịch và thương mại với nước láng giềng Myanmar. Ông Liu ước tính mình đã mất hơn 150.000 USD.

Công việc kinh doanh của ông Li, một thương gia buôn ngọc trong thành phố, cũng không khá hơn. Từ đầu năm nay, ông đã gom khoảng 3 triệu USD đầu tư vào thị trường ngọc bích với hy vọng thành phố này sẽ mở cửa trở lại vào tháng 5. Tuy nhiên, chính sách "Zero COVID" đã làm tiêu tan mọi nỗ lực trước đó. Ông Li cho biết: "Ban đầu, công ty tuyển dụng khoảng 50 người, nhưng bây giờ chúng tôi chỉ dám giữ lại một nhân viên bảo vệ. Công ty không thể trả tiền cho họ".

Trong khi đó, việc xét nghiệm lại diễn ra gần như mỗi ngày. Một tài xế xe ôm công nghệ cho biết anh đã phải xét nghiệm COVID-19 tới 90 lần trong 7 vòng tháng qua. Một người đàn ông khác cũng chia sẻ rằng con trai 1 tuổi của họ phải xét nghiệm tới 74 lần.

Trước tình trạng đó, ông Dai Rongli, cựu quan chức thành phố, đã đăng tải một bài blog với tựa đề "Thụy Lệ cần sự quan tâm của đất nước". Ông cho rằng, "mỗi lần thành phố bị phong tỏa là một lần người dân chịu tổn thất nghiêm trọng cả về thể chất và tinh thần".

Trung Quốc có thể tiếp tục duy trì chiến lược Zero COVID trong bao lâu? - Ảnh 5.

Chiến lược "Zero COVID" vẫn có thể tiếp tục được áp dụng lâu dài tại Trung Quốc, tùy thuộc vào diễn biến của đại dịch trên toàn cầu (Ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, bất chấp mặt trái của "Zero COVID", Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh thuộc Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, ông Wu Liangyou vẫn khẳng định, Trung Quốc sẽ tiếp tục tuân thủ các biện pháp kiểm soát COVID-19 chặt chẽ, xây dựng một rào chắn vững chắc chống lại những ca bệnh nhập cảnh và lây nhiễm trong nước. "Chiến lược ngăn chặn sự lây lan của các ca nhập cảnh và nội địa cũng đã được chứng minh là tuân thủ theo khoa học và phù hợp với điều kiện của đất nước".

Do vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, chính sách "Zero COVID" vẫn có thể tiếp tục được áp dụng lâu dài tại Trung Quốc, tùy thuộc vào diễn biến của đại dịch trên toàn cầu. Chiến lược này, dù tốn kém, song nếu xét trên phương diện tích cực, sẽ hạn chế tối đa khả năng xuất hiện các ổ dịch lớn gây áp lực lên hệ thống y tế của nước này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước