Theo dữ liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc trong độ tuổi từ 16 đến 24 đã tăng lên mức 20,8% trong tháng năm vừa qua. Có nghĩa là cứ 5 người trẻ lại có 1 người không có việc làm. Con số này trong tháng tư là 20,4%, sau khi tăng từ 19,6% trong tháng ba.
Tỷ lệ này cao hơn đáng kể so với vài tháng trước, cũng như mức 13% được duy trì trong suốt năm 2019. Nếu so với tỷ lệ thất nghiệp thanh niên trong độ tuổi 15-24 tuổi tại Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản lần lượt là 6,5%; 6,5%; 4,7% thì con số tại Trung Quốc đang cao gấp 3 - 4 lần.
Xu hướng thất nghiệp của giới trẻ dự kiến tiếp tục tăng trong tháng 7 và tháng 8 tới, khi thời điểm gần 11,6 triệu sinh viên sẽ tốt nghiệp đại học và gia nhập lực lượng lao động. Tỷ lệ thất nghiệp cao của giới trẻ sẽ là vấn đề khiến các nhà hoạch định chính sách đau đầu, bởi nó sẽ có các tác động xã hội không thể xem thường.
Ông Fu Linghui - Người phát ngôn Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho rằng: "Không thể bỏ qua áp lực hiện tại về việc làm và các vấn đề cơ cấu. Áp lực việc làm ở thanh niên vẫn rất lớn và thiếu nhân tài có tay nghề cao. Các vấn đề "khó tìm việc làm" và "khó tuyển lao động" cùng tồn tại. Cần nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy sự cân bằng giữa cung và cầu. Về tình trạng thất nghiệp ở giới trẻ, nhìn chung, thanh niên thất nghiệp đang ở mức cao".
Chị Chen - 20 tuổi nói: "Giờ có vẻ như sinh viên tốt nghiệp đại học và trên đại học có ở khắp mọi nơi. Tiêu chuẩn tìm việc làm đang tăng lên và ngày càng có nhiều người có trình độ cao hơn. Chính vì vậy, chúng tôi rất khó tìm được việc làm".
Giới trẻ Trung Quốc loay hoay tìm việc làm
Thị trường việc làm ảm đạm khiến nhiều người trẻ sắp và mới ra trường ở Trung Quốc có trình độ học vấn cao buộc phải giảm bớt tham vọng về nghề nghiệp để có thể kiếm việc và có thu nhập. Nhiều người chấp nhận làm các vị trí tự do, trái ngành trái nghề học, thay vì tìm một công việc văn phòng với mức lương trong mộng.
Tối thứ Sáu, ở Bắc Kinh, anh Tenteng đang phục vụ món bia trứ danh cho các thực khách. Sau khi tốt nghiệp đại học ngành luật nhưng không thể tìm được việc làm, anh đã quyết định mở quán bar. Quán đã phải đóng cửa nhiều lần do dịch COVID-19, nhưng may mắn hơn nhiều bạn cùng khóa, ít nhất anh cũng có việc làm.
Anh Tengteng - Chủ quán bar nói: "Tất cả nhân viên trong quán của tôi đều có trình độ học vấn cao. Một số có bằng khoa học chính trị hoặc luật của Đại học Nghiên cứu Quốc tế Bắc Kinh".
Nhiều người trẻ tại Trung Quốc cũng đang làm những công việc không tương xứng với bằng cấp của họ. Liu Ziheng học ngành du lịch, đã tìm việc làm suốt nửa năm qua. Hiện anh đang làm công việc được trả lương thấp trong một cửa hàng trò chơi dành cho giới trẻ.
Vì thiếu cơ hội việc làm, nhiều người chọn học để lấy bằng cấp khác. Yu Zhenming dành 20 giờ mỗi tuần để nghiền ngẫm đọc sách tại đây. Anh đã có bằng thạc sĩ về luật dân sự, nhưng vì công việc gặp khó khăn nên anh muốn cải thiện cơ hội với một tấm bằng khác.
"Hệ thống thi cử rất công bằng ở đây, miễn là bạn nỗ lực hết mình trong việc học, bạn sẽ nhận được điểm cao, điều đó đơn giản hơn, dễ dàng hơn và công bằng hơn hầu hết mọi thứ trong cuộc sống của chúng tôi, chẳng hạn như công việc", Yu Zhenming nói.
Niềm tin rằng chỉ những người học nhiều mới tìm được việc làm đã ăn sâu tại đây. Số người tiếp tục học cao hơn đã tăng mạnh trong những thập kỷ gần đây.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, giáo dục đã và đang vượt xa nhu cầu của nền kinh tế Trung Quốc vốn chủ yếu vẫn dựa vào sản xuất. Thay vì bằng cấp cao, điều cần thiết hơn đối với người lao động là đẩy mạnh đào tạo kỹ năng nghề để đáp ứng đầu ra, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Để giải quyết thực trạng trên, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc hồi tháng tư đã công bố một kế hoạch 15 điểm nhằm tối ưu hóa việc tìm kiếm công việc phù hợp với những người trẻ tuổi. Kế hoạch này bao gồm hỗ trợ đào tạo kỹ năng và thực tập sinh, cam kết mở rộng tuyển dụng một lần tại các doanh nghiệp nhà nước và hỗ trợ tham vọng kinh doanh của sinh viên tốt nghiệp đại học và lao động nhập cư.
Mới đây nhất, ngày 1/6 vừa qua, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã công bố chiến dịch 100 ngày hướng dẫn sinh viên tốt nghiệp tìm kiếm việc làm và giúp nhiều cử nhân tìm được việc làm càng sớm càng tốt, trước và sau khi rời ghế nhà trường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!