Động thái này cho thấy ngành chức năng Trung Quốc đang tiếp tục hạ cấp độ quản lý dịch bệnh, tiến tới mở cửa hoàn toàn.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc không cho biết nguyên nhân của việc ngừng cập nhật số ca mắc hàng ngày. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh quốc gia Trung Quốc sẽ đưa ra thông tin liên quan về COVID-19 cho công tác tham khảo và nghiên cứu.
Kể từ ngày 7/12, Trung Quốc đã nới lỏng gần như tối đa, tự do đi lại. Nhiều chuyên gia cho rằng số liệu công bố hàng ngày vài nghìn ca mắc là không phản ánh đúng thực tế bởi hầu hết số ca mắc không triệu chứng, số ca bệnh nhẹ tự điều trị tại nhà nên không nằm trong số liệu thống kê.
Thành phố Đông Quản, thành phố Thanh Đảo tính toán, trong một ngày mỗi thành phố có từ 250.000 đến 530.000 người mắc COVID-19. Tỉnh Giang Tây dự báo, đến tháng 3, 80% dân số, tức 36 triệu người sẽ mắc COVID-19. Thành phố Thượng Hải dự báo, 50% dân số, tức 12,5 triệu người sẽ nhiễm virus SARS-CoV-2.
Sau 3 năm, số ca mắc của Trung Quốc theo thống kê là hơn 393.000 người, với trên 5.200 trường hợp tử vong. Gần đây, Trung Quốc không đưa người mắc COVID-19 tử vong do bệnh nền vào số liệu thống kê.
Chuyên gia trưởng bệnh truyền nhiễm Ngô Tôn Hữu thuộc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc dự báo, trong mùa đông này, sẽ có từ 140 triệu đến 420 triệu người mắc COVID-19. Nhiều tỉnh thành ở nước này đã tái lập hàng nghìn phòng khám sốt. Các công ty dược chạy hết công suất để sản xuất thuốc, vật tư y tế.
Dự báo trong một tuần nữa, Trung Quốc sẽ bước vào đỉnh dịch lần thứ nhất gây áp lực nặng nề lên ngành y tế. Có 3 đỉnh dịch từ nay đến tháng 3/2023, nhất là cao điểm hàng tỷ chuyến đi về quê đón Tết. Trong khi đó, dịch COVID-19 tràn về vùng nông thôn với năng lực y tế kém hơn nhiều so với thành thị, khiến ngành y tế tại đất nước tỷ dân này dồn mọi nguồn lực để ứng phó.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!