Ngay trước thềm Tết Âm lịch và Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh 2022, ở các thành phố Tây An, Thiên Tân, An Dương (Trung Quốc), nhiều ổ dịch COVID-19 đã bùng phát.
Xuân vận, mùa di dân lớn nhất hành tinh khi hàng tỷ lượt người đi lại dịp Tết Âm lịch, chỉ còn tính bằng ngày tại Trung Quốc, và nối ngay sau đó là Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh 2022. Đây đều là những sự kiện mà toàn Trung Quốc nóng lòng chuẩn bị và chờ đón. Tuy nhiên, việc hàng loạt ổ dịch bùng phát tại nhiều thành phố đang là bài toán đau đầu với nước này, một trong số ít quốc gia còn lại trên thế giới vẫn kiên trì theo đuổi chiến lược "Không COVID" (Zero COVID).
Tuy đứng trước những áp lực lớn như vậy, bao gồm cả sự xuất hiện của biến thể Omicron, Ban tổ chức của Olympic Bắc Kinh 2022 đã lên tiếng khẳng định, tình hình nhìn chung vẫn đang được kiểm soát và giới chức hiện không có kế hoạch phong tỏa thủ đô.
Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh 2022 dự kiến bắt đầu vào ngày 4/2, sẽ là sự kiện thể thao quy mô lớn bị hạn chế đặc biệt nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch. Kể từ ngày 4/1, Trung Quốc bắt đầu triển khai chiến lược "bong bóng khép kín" nhằm đảm bảo an toàn cho vận động viên và các cá nhân khác tham gia sự kiện. Các vận động viên chỉ được phép sinh hoạt trong bong bóng. Để đủ điều kiện bước vào khu vực này, bất kỳ ai cũng đều phải tiêm đầy đủ hai mũi vaccine cơ bản ngừa COVID-19 hoặc cách ly 21 ngày sau khi đến Trung Quốc. Những người ở trong bong bóng sẽ phải xét nghiệm hàng ngày và đeo khẩu trang mọi lúc. Bên trong khu vực khép kín này có phương tiện đi lại giữa các địa điểm, thậm chí có cả hệ thống đường sắt riêng.
Trung Quốc gấp rút dập dịch trước thềm Olympic Bắc kinh
Hai ổ dịch có xuất hiện biến thể Omicron ở hai thành phố Thiên Tân và An Dương, tỉnh Hà Nam như "gọng kìm" bao vây Olympic mùa Đông 2022 tại thành phố Bắc Kinh và tỉnh Hà Bắc. Chính quyền sở tại đã triển khai nhanh các giải pháp như xét nghiệm đại trà, truy vết thần tốc. Tại thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, chính quyền chỉ mất hơn 6 tiếng để hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm axit nucleic cho 12,6 triệu dân.
Để bảo vệ an toàn cho Olympic và thủ đô Bắc Kinh, thành phố Thiên Tân còn cấm người dân đi tàu cao tốc tới Bắc Kinh. Người dân các địa phương, nhất là nơi có dịch, hầu như rất khó vào thành phố Bắc Kinh. Với đặc điểm người mang biến thể Omicron thường có triệu chứng nhẹ, lây lan cực mạnh nên chuyên gia Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho rằng, đây sẽ là thách thức lớn đối với chiến lược "Zero COVID" của nước này. Trong tuần này, Trung Quốc đã cấm nhiều chuyến bay từ Mỹ vào bởi phát hiện nhiều ca COVID-19 trên chuyến bay.
Người dân Trung Quốc "thấm mệt" vì COVID-19
Trên các nền tảng truyền thông xã hội, bên cạnh sự ủng hộ rộng rãi đối với phản ứng dập dịch nhanh chóng của chính quyền, nhiều người dân đã đăng tải về những lo lắng và băn khoăn của họ khi cuộc sống lại bị xáo trộn vì thực trạng phong tỏa toàn thành phố. Các phương tiện truyền thông địa phương đã đưa tin về sự chậm trễ trong việc tiếp nhận bệnh nhân ở nhiều bệnh viện lớn của thành phố. Giới chức thành phố Tây An đã buộc đóng cửa hai bệnh viện trong vòng 3 tháng để kiểm điểm do không thực hiện trách nhiệm cứu chữa người bệnh kịp thời.
Trung Quốc kiên quyết duy trì chính sách "Zero COVID" khi nước này bước sang năm thứ 3 đối phó với đại dịch. (Ảnh: Reuters)
Tuy nhiên, thành phố Tây An hiện nay, giống như thành phố Vũ Hán trước kia, đều quán triệt tinh thần khoanh vùng dập dịch nghiêm ngặt. Tây An vừa chi khoảng 1 triệu USD để hỗ trợ những người gặp khó khăn và đưa khoảng 200 người mắc kẹt tại thành phố này vào những trung tâm lưu trú tạm thời.
Trung Quốc vẫn sẵn sàng "mạnh tay" với các ổ dịch COVID-19
Hơn 20 triệu người ở năm thành phố hiện bị phong tỏa ở những mức độ khác nhau. Trên thực tế, chỉ tại ổ dịch, việc phong tỏa mới nghiêm ngặt, còn đối với những khu vực khác, chính quyền địa phương chỉ hạn chế những phương tiện đi lại công cộng, cấm tụ tập đông người. Người dân tại vùng dịch trung bình vẫn có thể ra khỏi tỉnh, thành phố bị phong tỏa nếu có xét nghiệm âm tính và đáp ứng các quy định của nơi đến.
Đối với chuyện cung cấp thực phẩm, thuốc men, trừ vài nơi lúng túng ban đầu, còn lại tất cả đều ổn. Chỉ tại vùng biên giới tỉnh Vân Nam giáp ranh Myanmar, dịch tái đi tái lại nhiều lần trong năm 2021, doanh nghiệp và người dân khốn khó. Còn lại đa phần các ổ dịch được dập trong vòng 2- 4 tuần. Dĩ nhiên, việc tái đi tái lại đã ít nhiều ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội của vùng bị phong tỏa nhưng nhìn rộng ra vì sự an toàn của hơn 1 tỷ dân, Trung Quốc vẫn kiên trì áp dụng phương pháp này để ngăn dịch lây lan.
Hàng chục triệu người dân Trung Quốc được vận động không về quê ăn Tết
Để đảm bảo an toàn cho các sự kiện lớn, nhiều địa phương ở Trung Quốc như các thành phố Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân hiện vận động người dân ăn Tết tại chỗ, không về quê. Trong đó, có cả giải pháp tặng tiền cho người ở lại. Nhiều doanh nghiệp còn đảm bảo chỗ ở, cung cấp thức ăn ngày Tết cho công nhân ở lại sản xuất.
Xuân vận 2022 có tiếp tục như mọi năm?
Về quê hay ở lại là câu hỏi khó đối với những người lao động ở các thành thị. Nguyên nhân là do ở nhiều nơi, nhất là các thành phố lớn như Bắc Kinh, công chức các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước đều phải tuân thủ lời kêu gọi ở lại thành phố ăn Tết và không ra khỏi Bắc Kinh nếu không cần thiết. Họ phải xin phép lãnh đạo cơ quan hay công ty để được về, điều này là không dễ bởi lãnh đạo còn bị áp lực từ trên. Nhiều người đã chấp nhận hai năm chưa được về quê đón Tết.
Tháng 12/2021, Bộ Giao thông Trung Quốc dự báo, trong đợt Xuân vận kéo dài hơn một tháng này, số lượng người di chuyển sẽ cao hơn năm vừa qua và thậm chí cao hơn cả năm 2020 với 1,5 tỷ chuyến đi. Tuy nhiên, hiện nay, 14 Bộ, ngành Trung Quốc đã ban hành nhiều quy định siết chặt đi lại, người lao động đang "nín thở" chờ đợi các quy định cụ thể hơn từ chính quyền và doanh nghiệp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!