Sân bay tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. (Ảnh minh họa: EPA-EFE)
Tờ Thời báo Hoàn cầu, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, dẫn ý kiến các chuyên gia dịch tễ tại nước này cho rằng những lo ngại và biện pháp nói trên là "vô căn cứ" và "phân biệt đối xử". Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cũng đã hạ mức độ kiểm soát COVID-19, khách nhập cảnh sẽ không buộc phải cách ly tập trung như trước đây.
Các quốc gia đưa ra quy định trên sau khi Trung Quốc thông báo mở lại biên giới từ ngày 8/1/2023 sau 3 năm đóng cửa biên giới, thắt chặt các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19. Ngoài ra, Trung Quốc cũng bỏ yêu cầu cách ly đối với du khách nội địa từ ngày 8/1, chỉ yêu cầu kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong 48 giờ trước khi khởi hành.
Một số quốc gia, trong đó có Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, bày tỏ lo ngại về khả năng xuất hiện biến chủng mới trong đợt bùng phát COVID-19 ở Trung Quốc, từ đó đã yêu cầu hành khách đến từ Trung Quốc trình kết quả xét nghiệm âm tính, đã tiêm đủ các mũi vaccine ngừa COVID-19 hoặc bằng chứng đã khỏi COVID-19 khi nhập cảnh.
Ngày 29/12, Italy kêu gọi các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu siết chặt quy định kiểm dịch COVID-19 đối với du khách từ Trung Quốc. Tuy nhiên, Pháp, Đức và Bồ Đào Nha cho biết chưa thấy cần thiết phải áp đặt các biện pháp hạn chế mới. Trong khi đó, Áo nhấn mạnh, lợi ích kinh tế khi du khách Trung Quốc quay trở lại châu Âu. Theo thống kê, chi tiêu trên toàn cầu của du khách Trung Quốc trị giá hơn 250 tỷ USD/năm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Du khách Trung Quốc tại Sân bay quốc tế thủ đô Bắc Kinh. (Ảnh: SCMP)
Mỹ đã nêu quan ngại về thiếu dữ liệu chính thức về tình hình lây lan virus tại Trung Quốc và số ca mắc COVID-19 tăng mạnh ở Trung Quốc có thể dẫn đến sự phát triển các biến thể mới của virus.
Phản hồi trước việc Mỹ và Nhật Bản siết quy định kiểm dịch COVID-19 với du khách từ Trung Quốc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết, Bắc Kinh tin tưởng rằng biện pháp ứng phó với dịch COVID-19 của các quốc gia nên dựa trên dữ liệu khoa học và nên được áp dụng như nhau với người dân từ tất cả quốc gia trên thế giới mà không gây ảnh hưởng tới hoạt động đi lại bình thường, hợp tác và trao đổi giữa người với người.
Ông Uông hy vọng, tất cả quốc gia trên thế giới thực hiện cách tiếp cận dựa trên khoa học trong công tác ứng phó với dịch COVID-19, hợp tác nhằm đảm bảo hoạt động đi lại xuyên biên giới an toàn, duy trì ổn định của chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu, đóng góp vào tinh thần đoàn kết quốc tế trong công tác chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế thế giới sau đại dịch.
Phản hồi trước lo ngại của một số quốc gia về việc đợt bùng phát dịch gần đây có thể dẫn tới phát triển các biến thể mới của virus tại Trung Quốc, Thời báo Hoàn cầu dẫn lời một chuyên gia tham gia công tác theo dõi biến thể virus SARS-CoV-2 tại Trung Quốc cho biết, dù quốc gia này đã ngừng công bố số ca mắc COVID-19 hàng ngày nhưng các nhà khoa học không dừng theo dõi sự lây lan của các biến thể virus tại Trung Quốc và không để xảy ra tình trạng xuất hiện biến thể mới mà không được báo cáo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!