Tên lửa đẩy Trường Chinh-2D mang theo vệ tinh Gaojing-301 phóng từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền, ngày 15/4. (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Tên lửa được phóng vào lúc 12h12 (theo giờ Bắc Kinh) từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở Tây Bắc Trung Quốc và đưa vệ tinh Gaojing-301 vào quỹ đạo định trước.
Vệ tinh sẽ cung cấp các dịch vụ dữ liệu viễn thám thương mại cho các vấn đề mới nổi như nông nghiệp kỹ thuật số, mô hình thông tin đô thị và hình ảnh 3D trực tiếp, cũng như các lĩnh vực truyền thống bao gồm khảo sát và lập bản đồ đất đai, phòng ngừa và giảm nhẹ thiên tai và giám sát hàng hải.
Đây là nhiệm vụ bay thứ 516 của loạt tên lửa Trường Chinh.
Trước đó, vào ngày 10/12/2023, Trung Quốc đã phóng tên lửa đẩy Trường Chinh-2D, đưa vệ tinh viễn thám Yaogan-39 vào không gian. Tên lửa Trường Chinh-2D được phóng lúc 9h58 (giờ Bắc Kinh, tức 8h58 theo giờ Hà Nội) từ Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương ở tỉnh Tứ Xuyên, Tây Nam Trung Quốc, đưa vệ tinh Yaogan-39 vào quỹ đạo định trước. Đây là sứ mệnh thứ 500 của loạt tên lửa đẩy Trường Chinh.
Trung Quốc đã sử dụng tên lửa đẩy Trường Chinh 5 Yao-6 đưa thành công vệ tinh viễn thám số 41 vào quỹ đạo định trước tại bãi phóng vũ trụ Văn Xương vào tối 15/12/2023. Vệ tinh viễn thám số 41 là một vệ tinh viễn thám quang học có quỹ đạo cao, chủ yếu được sử dụng trong các lĩnh vực điều tra đất đai, ước tính năng suất cây trồng, quản lý môi trường, cảnh báo và dự báo khí tượng cũng như phòng ngừa và giảm nhẹ thiên tai, cung cấp các thông tin dịch vụ phục vụ xây dựng nền kinh tế của Trung Quốc.
Hãng thông tấn Tân Hoa của Trung Quốc cho biết, tên lửa Trường Chinh 5 được sử dụng cho nhiệm vụ phóng lần này được phát triển bởi Học viện công nghệ tên lửa đẩy, thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không vũ trụ Trung Quốc, là một tên lửa lỏng nhiệt độ thấp cỡ lớn, chủ yếu được sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ phóng vào quỹ đạo trung bình đến cao.
Cuối tháng 9/2023, Trung Quốc đã phóng vệ tinh viễn thám Yaogan-33 04 vào không gian từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở Tây Bắc nước này. Vệ tinh Yaogan-33 04 phục vụ các thí nghiệm khoa học, khảo sát tài nguyên đất, ước tính năng suất cây trồng cũng như phòng chống thiên tai và cứu trợ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!