Giáo dục thể chất được chú trọng nhiều hơn khi Trung Quốc theo đuổi chính sách "giảm tải kép". Ảnh: China Daily
Sau gần 1 năm triển khai chủ trương của Luật giáo dục về mục tiêu "giảm kép" bài tập về nhà và học thêm ngoài giờ đối với các môn học chính khóa, ngành giáo dục Trung Quốc đánh giá đã đạt được nhiều hiệu quả tích cực. Năm học mới này, Bộ Giáo dục Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh "giảm kép" nhằm giảm áp lực học hành cho học sinh từ tiểu học đến trung học cơ sở.
Số học sinh hoàn thành bài tập về nhà tại lớp tăng từ 46% lên đến hơn 90% so với trước khi thực hiện chủ trương này. Tỷ lệ học sinh tự nguyện tham gia các môn học ngoại khóa tăng lên hơn 92% so với trước đó. Có đến 85% số phụ huynh hài lòng về các môn ngoại khóa về thể dục thể thao, nhạc họa, kỹ năng sống... Học sinh tiểu học hầu như hoàn thành bài tập về nhà tại lớp, một số ít học sinh trung học cơ sở chỉ làm bài tập về nhà rất ít. Đến nay, hầu như các trung tâm giáo dục dạy thêm đã không còn dạy các môn chính khóa mà chuyển dạy các môn liên quan đến năng khiếu, thể thao, văn nghệ… kích thích sự phát triển toàn diện của học sinh.
Gánh nặng học thêm và bài tập về nhà đè nặng học sinh Trung Quốc từ lâu nay. Ảnh: Getty Images
Theo mục tiêu, nhiệm vụ công tác giáo dục "giảm kép" do Chính phủ Trung Quốc đề ra, năm 2022, sẽ tăng cường hơn nữa vị trí chủ đạo, nâng chất lượng của giáo dục nhà trường, "giảm kép" là ưu tiên hàng đầu - với mục tiêu giảm cho bài tập về nhà và giảm học thêm ngoài giờ.
Theo quy định của Luật giáo dục mới, cha mẹ sắp xếp thời gian cho học sinh nghỉ ngơi và vận động hợp lý, từ đó giảm áp lực học hành, tránh lạm dụng Internet. Bộ Giáo dục cũng phải cắt giảm bài tập về nhà và cấm dạy thêm sau giờ học đối với những môn học chính.
Để đánh giá khách quan, Bộ Giáo dục Trung Quốc ủy thác cho một đơn vị độc lập uy tín điều tra, nghiên cứu và đánh giá về hiệu quả của chủ trương "giảm kép", trong đó nhấn mạnh đến những điều tra xã hội từ phụ huynh về chủ trương mang tính cách mạng trong việc giảm tải cho học sinh cũng như giảm áp lực chạy đua của phụ huynh cho con học trường chuyên lớp chọn, học thêm tốn kém.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!