Tại thủ đô Washington, các cửa hàng mặt phố đang gia cố các cửa sổ bằng những tấm ván ép hoặc dựng các hàng rào tạm thời. Phó Thị trưởng Washington John Falcicchio phụ trách kế hoạch và phát triển kinh tế cho biết tới thời điểm này, nhà chức trách chưa nhận được bất kỳ thông tin tình báo nào về hoạt động gây bất ổn được lên kế hoạch sẵn. Tuy nhiên, ông khuyến cáo các chủ doanh nghiệp và chủ các tòa nhà cần nâng cao cảnh giác, cũng như thông báo ngay cho cơ quan chức năng nếu phát hiện bất kỳ hành vi bạo lực nào.
Thủ đô Washington cũng đã giới hạn thời gian nghỉ phép của các sĩ quan nhằm đảm bảo có đủ nhân lực cần thiết để đảm bảo an ninh. Thành phố cũng đã chi 100.000 USD để trang bị cho lực lượng an ninh các loại đạn không gây nguy hiểm đến tính mạng và các chất hóa học nhằm khống chế tình trạng bạo loạn có thể nổ ra. Các hàng rào cũng được dựng lên xung quanh Nhà Trắng, trong khi các biển báo khuyến cáo của cảnh sát cũng được gắn trên các cột đèn dọc theo các con phố tiếp giáp với Nhà Trắng, với nội dung cấm sử dụng súng trong các cuộc biểu tình.
Hình ảnh những hàng rào được dựng lên tạm thời cũng được ghi nhận tại các cơ sở kinh doanh trên đường phố ở Los Angeles, New York và Chicago. Tại Chicago, Thị trưởng Lori Lightfoot đã yêu cầu người dân bày tỏ chính kiến một cách thân thiện. Bà nêu rõ: "Chúng ta không có quyền trút sự thất vọng, giận giữ của mình lên người khác". Trong khi đó, ông Rich Guidice, Giám đốc điều hành Văn phòng Ứng phó khẩn cấp của thành phố, cho biết chính quyền đã triển khai cách tiếp cận toàn diện nhằm đảm bảo an ninh trong ngày bầu cử. Lực lượng an ninh đã tiến hành diễn tập và tổ chức các buổi hội thảo để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra trước, trong hoặc sau ngày bầu cử.
Trong cuộc tổng tuyển cử ngày 3/11, cử tri Mỹ sẽ bầu tổng thống và phó tổng thống, toàn bộ 435 ghế tại hạ viện, 35/100 ghế tại thượng viện, 11 vị trí thống đốc bang cùng khoảng 5.000 ghế trong các cơ quan lập pháp cấp bang trên toàn quốc. Cuộc đua vào Nhà Trắng nhận được sự quan tâm trên hết, cử tri Mỹ sẽ "chọn mặt gửi vàng" nhân vật vừa là nguyên thủ quốc gia vừa là người đứng đầu chính phủ để lèo lái "con thuyền nước Mỹ" trong 4 năm tiếp theo.
Trong ngày cuối cùng của chiến dịch vận động bầu cử tổng thống Mỹ, đương kim Tổng thống Donald Trump thuộc đảng Cộng hòa và cựu Phó Tổng thống Joe Biden thuộc đảng Dân chủ đã nỗ lực giành sự ủng hộ của cử tri tại các bang "chiến địa". Trong ngày, ông Trump tiến hành các cuộc vận động cử tri tại 4 bang North Carolina, Pennsylvania, Wisconsin và Michigan. Đây từng là những bang ủng hộ ông giành chiến thắng trước đối thủ Hillary Clinton thuộc đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Trong khi đó, ông Biden cùng với người liên danh tranh cử Kamala Harris dành phần lớn thời gian trong ngày cuối của chiến dịch vận động bầu cử tại bang Pennsylvania.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!