Đại học Y Tokyo, Nhật Bản.
Truyền thông Nhật Bản cho biết trường Đại học Y Tokyo có thể đã tiến hành việc sửa điểm từ năm 2011 và hành động này bắt đầu từ chỉ thị trực tiếp của Chủ tịch nhà trường.
Kỳ thi vào Đại học Y Tokyo chia thành hai đợt: Đợt đầu tiên thi tiếng Anh và các môn tự nhiên, đợt thứ hai thi tiểu luận và phỏng vấn. Việc hạ điểm được tiến hành với các bài thi phụ thuộc nhiều vào cảm nhận của người chấm như tiểu luận và phỏng vấn.
Giáo viên trong trường sẽ tự động hạ điểm của thí sinh nữ và tăng điểm của thí sinh nam nhằm kiểm soát tỷ lệ nữ sinh ở mức 30%. Nguyên nhân của hành động này vì số nữ bác sĩ bỏ nghề sau khi lập gia đình cao và Ban Giám hiệu nhà trường cho rằng cần kiểm soát ngay từ kỳ thi đầu vào nhằm tránh lãng phí công sức đào tạo.
Tuy nhiên, dư luận Nhật Bản đã lên án gay gắt chính sách giáo dục kì thị của trường Đại học Y Tokyo.
"Trong thời đại cả xã hội đều ủng hộ môi trường lao động bình đẳng giữa nữ giới và nam giới, quan điểm của trường Đại học Y Tokyo mặc định rằng nữ giới không thể theo ngành y là một điều hết sức sai lầm", bà Yoshiko Maeda - Chủ tịch Hội nữ sinh Nhật Bản nói.
Các nguồn tin cho biết không chỉ trường Đại học Y Tokyo, nhiều trường y khác tại Nhật Bản cũng tiến hành chính sách tương tự. Các bệnh viện Nhật Bản cũng thường không nhận lại các nữ bác sĩ sau thời gian nghỉ thai sản.
Nạn phân biệt giới tính từ lâu đã là vấn đề nhức nhối trong thị trường lao động Nhật Bản và vụ việc ở trường Đại học Y Tokyo cho thấy vấn nạn này đã lan sang cả ngành Giáo dục. Công sức học tập của rất nhiều nữ sinh đã trở nên vô nghĩa khi họ không thể cạnh tranh một cách bình đẳng với các bạn học sinh nam. Chính phủ Nhật Bản cam kết sẽ điều tra cặn kẽ và có biện pháp chấm dứt tình trạng gian lận này.
Xung quanh vấn đề trên, mời quý vị theo dõi VIDEO cuộc trao đổi với phóng viên Đài THVN Thường trú tại Nhật Bản.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!