Tình trạng này có thể khiến tuổi thọ trung bình của người Thái Lan giảm 1,8 năm.
Bộ Công nghiệp Thái Lan cho biết ô nhiễm không khí, đặc biệt là bụi mịn PM2.5, chủ yếu xuất phát từ hoạt động đốt rừng hoặc cây trồng, đặc biệt là cây mía, ảnh hưởng đến khoảng 44 triệu người ở Thái Lan mỗi năm. Việc tiếp xúc lâu dài với bụi mịn sẽ khiến người dân có thể mắc phải các bệnh mãn tính bao gồm các vấn đề về phổi và tim.
Theo Bộ Công nghiệp Thái Lan, tập quán canh tác của người dân nước này là thường đốt bỏ gốc cây sau khi thu hoạch. Phương pháp này tuy tiết kiệm chi phí nhưng lại tác động xấu đến môi trường.
Từ năm 2019, Chính phủ Thái Lan đã đề ra các biện pháp giải quyết vấn đề bụi mịn PM2.5, trong đó có cả quy định bắt giữ những nông dân bị phát hiện đốt cây trồng sau thu hoạch.
Ngoài ra, Chính phủ Thái Lan đã cung cấp khoản trợ cấp 120 baht (khoảng 3,4 USD) cho mỗi tấn sản lượng để nông dân thuê lao động hoặc mua thiết bị máy móc hỗ trợ dọn gốc cây sau thu hoạch một cách hợp lý và sạch sẽ. Cho đến nay, Thái Lan đã giải ngân khoảng 410 triệu USD cho chương trình này.
Theo Viện Ung thư Thái Lan, trong hơn 25 năm qua, nước này đã phải vật lộn với chất lượng không khí kém bao gồm cả ô nhiễm bụi mịn PM2.5. Thống kê cho thấy, số bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí ở Thái Lan ngày càng tăng. Chỉ tính riêng trong quý I năm nay, nước này ghi nhận khoảng 1,7 triệu người mắc các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!