Các hạt vi nhựa trong mẫu tuyết ở Siberia được nhìn qua kính hiển vi của phòng thí nghiệm. (Ảnh: Trung tâm vi nhựa Siberia thuộc Đại học bang Tomsk, Nga.)
Hiện các nhà khoa học Nga đang cố gắng tìm hiểu về mối đe dọa tiềm tàng đối với môi trường của tình trạng tuyết lẫn hạt vi nhựa nói trên.
Các nhà khoa học tại Đại học bang Tomsk (TSU) cho biết đã thu thập các mẫu tuyết từ 20 vùng khác nhau tại Siberia, từ vùng núi Altai đến Bắc Cực. Những phát hiện ban đầu cho thấy, các sợi nhựa trong không khí đang biến thành tuyết ở những vùng xa xôi hoang vu này.
Bà Yulia Frank, Giám đốc khoa học tại trung tâm Microplastics Siberia của TSU, nói với Reuters: “Rõ ràng là không chỉ sông và biển liên quan đến việc lưu chuyển vi nhựa trên khắp thế giới, mà còn cả đất, sinh vật sống và thậm chí cả khí quyển".
Thu thập mẫu tuyết để điều tra mức độ ô nhiễm vi nhựa. (Ảnh: Trung tâm vi nhựa Siberia thuộc Đại học bang Tomsk, Nga.)
Vi nhựa được tạo ra khi các mảnh vụn nhựa lớn hơn vỡ ra theo thời gian. Vi hạt nhựa được tìm thấy ngày càng nhiều trong không khí, thực phẩm, nước uống và thậm chí cả băng ở Bắc Cực. Các nhà khoa học ngày càng lo ngại chúng có thể gây ra rủi ro cho sức khỏe con người và sinh vật biển. Trước đây, các nhà khoa học đã tìm thấy vi nhựa trong hệ thống tiêu hóa của cá đánh bắt trên các sông ở Siberia. Họ xác nhận, vi nhựa đang góp phần gây ô nhiễm Bắc Băng Dương.
"Siberia hoàn toàn chưa được nghiên cứu về khía cạnh này và sự quan tâm của chúng tôi đến vấn đề này đến muộn so với phần còn lại của thế giới", bà Frank nói.
Các nhà khoa học hiện đang nghiên cứu các mẫu tuyết để tìm hiểu về mật độ dân số, sự gần gũi với các con đường và các hoạt động khác của con người có góp phần gây ra ô nhiễm nhựa ở đây hay không.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!