Ứng phó với biến thể đậu mùa khỉ mới

VTV Digital-Thứ năm, ngày 22/08/2024 15:04 GMT+7

VTV.vn - Biến thể mới của bệnh đậu mùa khỉ vì sao lại gây quan ngại? Các quốc gia đang làm gì để ứng phó với nguy cơ dịch bệnh?

Bệnh đậu mùa khỉ có gì đột biến?

Thế giới đang đối mặt với đợt bùng phát của bệnh đậu mùa khỉ ở mức độ khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu lần thứ 2 trong vòng 2 năm. Đã có 27.000 ca mắc và hơn 1.100 ca tử vong, chủ yếu là trẻ em, tại Cộng hòa Dân chủ Congo kể từ khi đợt bùng phát hiện tại khởi phát vào tháng 1/2023. Đến tháng 8 này, ít nhất 16 quốc gia và vùng lãnh thổ xác nhận có các ca mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu về sức khỏe cộng đồng do bệnh đậu mùa khỉ. Điều này có nghĩa là "báo động cho thế giới về 'một sự kiện bất thường được xác định là gây ra rủi ro cho sức khỏe cộng đồng', vượt ra ngoài biên giới của quốc gia bị ảnh hưởng". Theo Quy định Y tế Quốc tế, các quốc gia có nghĩa vụ pháp lý phải phản ứng nhanh chóng khi có ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu về sức khỏe cộng đồng.

Bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện lần đầu tiên ở người vào năm 1970 tại nơi hiện nay là Cộng hòa Dân chủ Congo. Bệnh gây ra sốt, đau nhức cơ và các tổn thương da lớn giống như mụn nhọt, bệnh thường nhẹ nhưng có thể gây tử vong. Trong đợt bùng phát hiện nay, biến thể mới nhánh 1b đã được xác nhận gây ra đợt bùng phát đang gia tăng ở châu Phi, với tâm dịch là ở Cộng hòa Dân chủ Congo.

Ứng phó với biến thể đậu mùa khỉ mới - Ảnh 1.

Biến thể virus đậu mùa khỉ mới có tên nhánh 1b này đang gây ra mối lo ngại vì nó lây lan dễ dàng hơn thông qua tiếp xúc gần thông thường và có nguy cơ gây tử vong cao hơn chủng virus nhánh 2. Không chỉ châu Phi, biến thể nhánh 1b đã được phát hiện tại Pakistan, Thụy Điển và xét nghiệm ban đầu cho thấy ở cả Thái Lan. Điều đáng lo ngại ở đây là thế giới đang là một cộng đồng có mối liên hệ toàn cầu thông qua du lịch, di cư và các hoạt động đi lại xuyên biên giới khác. Chúng ta không thể bỏ qua tác động của các đợt dịch lớn chỉ vì chúng xảy ra ở những nơi mà chúng ta thấy có vẻ xa xôi.

Đợt bùng phát bệnh đậu mùa toàn cầu lần trước xảy ra vào năm 2022, có nguồn gốc từ châu Phi, nơi bệnh này đã lưu hành trong nhiều thập kỷ. Hiện nay, bệnh đậu mùa khỉ chủ yếu lây truyền từ người sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, bao gồm cả hôn hoặc quan hệ tình dục. Lo ngại lớn nhất là những cá nhân có nhiều bạn tình. Trong một số trường hợp, ga trải giường, chăn bị nhiễm virus đậu mùa khỉ nặng có thể lây truyền virus hoặc con người có thể nhiễm virus do tiếp xúc với động vật bị bệnh đậu mùa khỉ. Lây truyền qua không khí hiện còn rất hiếm.

Nhà dịch tễ học Salim Abdool Karim cho biết: "Bằng chứng chúng ta có về số ca bệnh, số ca tử vong chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Lý do là bệnh đậu mùa khỉ phần lớn ở tình trạng nhẹ, khó giám sát. Năng lực xét nghiệm bắt buộc của chúng ta hiện còn hạn chế. Vì vậy, dù tình hình và bằng chứng cho thấy vấn đề khá nghiêm trọng nhưng trên thực tế có thể còn nghiêm trọng hơn".

Chủng virus lưu hành ở Cộng hòa Dân chủ Congo là nhánh 1b, độc lực cao hơn nên có nhiều khả năng gây ra bệnh nghiêm trọng hơn chủng virus nhánh 2 đã gây ra đợt bùng phát lần trước vào năm 2022 và hiện vẫn tiếp tục lưu hành ở mức thấp ở Mỹ và châu Âu.

Điều đáng chú ý nữa là phần lớn các trường hợp bị nhiễm chủng nhánh 1b ở Cộng hòa Dân chủ Congo là trẻ em dưới 15 tuổi, phương thức lây truyền dường như là thông qua tiếp xúc trực tiếp với những người bệnh. Tuy nhiên, có bằng chứng thuyết phục cho thấy sự gia tăng của bệnh đậu mùa khỉ ở miền Trung và Tây Phi trong vài thập kỷ qua có liên quan đến tình trạng suy giảm miễn dịch với bệnh đậu mùa trong dân số ở những khu vực này do thế hệ mới được sinh ra và trưởng thành không bao giờ được tiêm vaccine đậu mùa.

Ứng phó với biến thể đậu mùa khỉ mới - Ảnh 2.

Hiện tại, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ chỉ khuyến cáo tiêm vaccine đậu mùa khỉ cho những người đồng tính nam, song tính hoặc những người đàn ông khác có quan hệ tình dục với nam giới, từ 18 tuổi trở lên và có một hoặc nhiều nguy cơ sau: chẩn đoán mới mắc một hoặc nhiều bệnh lây truyền qua đường tình dục, có nhiều hơn một bạn tình, quan hệ tình dục tại địa điểm mại dâm, quan hệ tình dục liên quan đến một sự kiện công cộng lớn ở khu vực đang xảy ra tình trạng lây truyền bệnh đậu mùa khỉ. Ngoài ra, bạn tình của những người có một hoặc nhiều nguy cơ đó hoặc những người dự đoán sẽ tiếp xúc với một trong những nguy cơ đó nên được tiêm vaccine đậu mùa khỉ.

Giáo sư Magnus Gisslen - chuyên gia trưởng về dịch tễ, Cơ quan Y tế công cộng Thụy Điển - chia sẻ: "Điều quan trọng nhất là mọi người phải nhận thức được rủi ro khi đi đến những khu vực có bệnh đậu mùa khỉ lưu hành. Nhưng các cơ quan y tế và các bộ phận khác của xã hội cũng phải biết các triệu chứng và có thể nhanh chóng đưa ra chẩn đoán, cách ly và truy vết tiếp xúc… để không có sự lây lan".

Chính vì thế, hiện tại, Tổ chức Y tế thế giới và Liên đoàn Chữ thập đỏ Quốc tế không khuyến cáo áp dụng bất kỳ hạn chế đi lại nào dù đã có các ca bệnh được phát hiện bên ngoài châu Phi.

Tình cảnh của bệnh nhi mắc đậu mùa khỉ

Hiện, nhiều bệnh nhân trẻ em ở châu Phi bị mắc biến thể mới của đậu mùa khỉ mà không biết nguồn lây vì bệnh trước đây vốn chỉ lây lan chủ yếu ở người lớn. Trong khi đó, không có vaccine hoặc phương pháp điều trị cụ thể nào cho bệnh nhân đậu mùa khỉ ngoài các xét nghiệm lâm sàng ở điểm nóng Cộng hòa dân chủ Congo.

Thành phố Goma ở phía Đông Cộng hòa dân chủ Congo là tâm điểm của đợt bùng phát mới nhất của bệnh đậu mùa khỉ. Do xung đột ở nhiều khu vực xung quanh, thành phố tràn ngập những người tản cư từ khắp nơi trong nước. Các bác sĩ và điều dưỡng cho biết hầu hết bệnh nhân là trẻ em.

Ứng phó với biến thể đậu mùa khỉ mới - Ảnh 3.

Bà Rosamund Lewis - Trưởng bộ phận bệnh đậu mùa khỉ, Tổ chức Y tế thế giới - cho biết: "Trẻ em dễ bị phơi nhiễm, dễ bị ảnh hưởng. Chúng tôi sẽ không ngạc nhiên nếu con số bệnh nhi tăng lên. Trẻ em còn có thể lây lẫn nhau do tiếp xúc gần, chơi cùng nhau hoặc ở chung".

Nhánh virus đậu mùa khỉ đặc hữu ở Cộng hòa Dân chủ Congo có tỷ lệ tử vong từ 4 - 11% và thường nguy hiểm hơn đối với trẻ em. Được mẹ kịp thời đưa con tới bệnh viện nên bé Sandrine, 5 tuổi, được chữa khỏi và đã hồi phục.

Tình trạng khẩn cấp toàn cầu vì bệnh đậu mùa khỉ lần trước kết thúc vào giữa năm 2023, phần lớn là nhờ vaccine và phương pháp điều trị ở các nước giàu nhưng rất ít được cung cấp cho châu Phi, kể cả tới nay vẫn chưa có.

Trong khi đó, số trường hợp mắc bệnh và tử vong do đậu mùa khỉ tiếp tục tăng nhanh tại Cộng hòa dân chủ Congo. Bộ trưởng Y tế nước này cho biết đến nay đã có 16.700 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, với hơn 570 trường hợp tử vong được báo cáo. Theo cơ quan y tế của Liên minh châu Phi, số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ được báo cáo vào năm nay đã tăng 160% so với cùng kỳ năm 2023.

Ứng phó với biến thể đậu mùa khỉ mới - Ảnh 4.
Ứng phó với biến thể đậu mùa khỉ mới - Ảnh 5.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi hôm 20/8 cho biết Cộng hòa dân chủ Congo và các quốc gia châu Phi khác có thể bắt đầu tiêm vaccine đậu mùa khỉ trong vài ngày tới. Các liều vaccine dự kiến sẽ đến châu Phi vào đầu tuần tới, sau các cam kết của Liên minh châu Âu, nhà sản xuất vaccine Bavarian Nordic (Đan Mạch), Mỹ và Nhật Bản. Các chuyên gia bệnh truyền nhiễm đã kêu gọi chuyển nguồn cung cấp vaccine bệnh đậu mùa khỉ hiện có đến châu Phi vì cho rằng triển khai vaccine đậu mùa khỉ ở đây có tiềm năng lớn nhất để giải quyết căn bệnh này.

Người đứng đầu Liên minh vaccine toàn cầu Gavi đã cho hay họ có tới 500 triệu USD để chi cho việc tiêm chủng cho các quốc gia bị ảnh hưởng bởi đợt bùng phát đậu mùa khỉ ở châu Phi.

Các biện pháp phòng chống đậu mùa khỉ của Việt Nam

Còn tại Việt Nam, để chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh đậu mùa khỉ trong nước và xâm nhập, kiểm soát dịch kịp thời không để bùng phát diện rộng, Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương tăng cường giám sát ngay tại cửa khẩu và tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời lên các kịch bản ứng phó với từng tình huống dịch bệnh và truyền thông về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ, đặc biệt với nhóm nguy cơ cao. Việt Nam đã có kinh nghiệm trong phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ sau khi ghi nhận ca bệnh đầu tiên vào tháng 10/2022. Tuy nhiên, dự kiến Cục Y tế dự phòng sẽ sớm có văn bản hướng dẫn phòng, chống dịch đậu mùa khỉ, đáp ứng cảnh báo WHO đưa ra.

Công ty công nghệ sinh học Đan Mạch Bavarian Nordic đang cân nhắc tăng sản xuất vaccine đậu mùa khỉ mà không cần có đơn đặt hàng nào vì việc chuyển hướng hoặc chuyển đổi năng lực sản xuất từ các loại vaccine khác sang vaccine đậu mùa khỉ sẽ mất thời gian. Tổ chức Y tế thế giới cũng yêu cầu cơ quan y tế các nước phải báo cáo các ca bệnh mới hàng tuần, các quốc gia phải sẵn sàng cung cấp thực phẩm và các hỗ trợ khác cho bệnh nhân đậu mùa khỉ, "bảo đảm cách ly tại các trung tâm chăm sóc hoặc hướng dẫn chăm sóc tại nhà".

Thái Lan phát hiện du khách mắc bệnh đậu mùa khỉ trở về từ châu Phi Thái Lan phát hiện du khách mắc bệnh đậu mùa khỉ trở về từ châu Phi

VTV.vn - Thái Lan đã phát hiện một trường hợp mắc đậu mùa khỉ ở một người đàn ông châu Âu đến từ châu Phi vào tuần trước.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước