Cơ quan Liên hợp quốc về cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) hôm 29/6 đã lên án cuộc khủng hoảng nhân đạo đang ngày càng tồi tệ ở Dải Gaza, nói rằng hàng trăm nghìn người đã "bị tước bỏ nơi ở, thực phẩm, thuốc men và nước sạch đầy đủ".
Người dân Gaza buộc phải sống trong các tòa nhà bị ném bom hoặc dựng lều cạnh những đống rác khổng lồ - một phát ngôn viên của Liên hợp quốc cho biết hôm 29/6, tố cáo rằng đây là những điều kiện sống "không thể chịu đựng được" ở vùng lãnh thổ đang bị bao vây này.
Bà Louise Wateridge mô tả điều kiện sống "cực kỳ tồi tệ" ở Dải Gaza. Người phát ngôn của UNRWA nói với các phóng viên ở Geneve: "Thật sự không thể chịu nổi".
Một người đàn ông Palestine tại tòa nhà ở Deir al-Bala, bị phá hủy sau vụ bắn phá của Israel vào ngày 28/6 (Ảnh: AFP)
Gần 9 tháng sau khi xung đột Israel - Hamas nổ ra ở Dải Gaza, bà Wateridge cho biết vùng lãnh thổ này đã bị "phá hủy".
Bà cho biết mình đã bị "sốc" khi trở lại Khan Yunis ở trung tâm Dải Gaza.
Bà nói: "Các tòa nhà chỉ là những "bộ khung". Mọi thứ đều là đống đổ nát. Ở đó không có nước, không có hệ thống vệ sinh, không có đồ ăn. Và giờ đây, mọi người đang sống trở lại trong những tòa nhà trống rỗng với những tấm vải che những khoảng trống do những bức tường đã bị "thổi bay". Không có phòng tắm, mọi người phải đi vệ sinh ở bất cứ nơi nào có thể".
Người Palestine chờ nhận lương thực và viện trợ nhân đạo khi các cuộc không kích của Israel tiếp tục diễn ra ở Rafah, Dải Gaza (Ảnh: Anadolu Agency/Getty Images)
Xung đột ở Dải Gaza bắt đầu nổ ra sau cuộc tấn công trong ngày 7/10/2023 của Hamas vào khu vực miền Nam Israel, khiến 1.200 người tử vong, chủ yếu là dân thường, theo thống kê của AFP dựa trên số liệu của Israel.
Trong khi đó, dữ liệu từ Bộ Y tế ở Gaza do Hamas điều hành cho thấy chiến dịch tấn công trả đũa của Israel ở vùng đất ven biển này đã khiến hơn 37.700 người thiệt mạng, chủ yếu là dân thường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!