"Chiến lược Dược phẩm châu Âu" nhằm tăng tự chủ một số dược phẩm cơ bản

Lê Hồng Quang (Phóng viên THVN từ Ủy ban châu Âu)-Thứ tư, ngày 25/11/2020 06:00 GMT+7

VTV.vn - Mục tiêu là giảm lệ thuộc vào bên ngoài, tăng tự chủ đối với một số dược phẩm cơ bản, đồng thời duy trì nguồn cung thuốc chữa bệnh với giá cả phải chăng.

Đây là một phần của kế hoạch tổng thể "Chiến lược Dược phẩm châu Âu" mà Ủy ban châu Âu đang đổ tiền ra gây dựng, kể từ khi đại dịch COVID-19 bộc lộ những khiếm khuyết của hệ thống chăm sóc sức khỏe tại các nước thành viên Liên minh châu Âu.

Chiến lược Dược phẩm có 4 mục tiêu cụ thể. Thứ nhất là bảo đảm tất cả bệnh nhân có đủ thuốc chữa bệnh ngay lập tức và trong mọi hoàn cảnh. Thứ hai là tự sản xuất dược phẩm cơ bản, không để bị bên ngoài "bắt chẹt" buộc phải mua những thuốc cơ bản với giá cao. Thứ ba là tận dụng lợi thế của số hóa và công nghệ mới để giảm ô nhiễm trong quá trình sản xuất dược phẩm. Cuối cùng là giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu thô có nguồn gốc từ các nước bên ngoài Liên minh châu Âu.

Ủy ban châu Âu cũng muốn dùng chiến lược này để hỗ trợ ngành công nghiệp dược phẩm - là ngành đóng góp lớn cho nền kinh tế châu Âu bằng cách tạo ra việc làm có tay nghề cao và đầu tư nhiều cho nghiên cứu.

Chiến lược Dược phẩm châu Âu nhằm tăng tự chủ một số dược phẩm cơ bản - Ảnh 1.

Vì sao cả 4 mục tiêu cụ thể của "Chiến lược Dược phẩm châu Âu", hầu như ý nào cũng nhấn mạnh vào các loại thuốc cơ bản?

Khan hiếm dược phẩm cơ bản là tình huống bất ngờ đối với các nước châu Âu. Các hãng dược châu Âu đã chuyển hầu hết việc sản xuất dược phẩm cơ bản sang các nước châu Á, từ 30 năm nay hầu như chỉ tập trung cho các loại thuốc đặc trị, thuốc mới, giá bán cao hơn nhiều và lợi nhuận cao tương ứng.

Khi đại dịch bùng phát, thì khan hiếm tại châu Âu lại không phải các loại thuốc đặc trị, thuốc mới, mà là những loại thuốc rất cơ bản, giá rất rẻ, là kháng sinh, giảm đau, aspirin và paracétamol. Có lẽ trước đây không ai ở châu Âu lường trước được rằng sẽ có ngày không thể nhập khẩu được những loại thuốc đơn giản này. "Chiến lược Dược phẩm châu Âu" muốn khắc phục nhược điểm này.

Những khó khăn "Chiến lược Dược phẩm châu Âu" sẽ gặp phải khi triển khai?

Hiện nay có tới khoảng 60% nguyên liệu dược phẩm cho công nghiệp dược toàn thế giới là từ Ấn Độ và Trung Quốc, đa số không phải là nguyên liệu đặc biệt hay khó tìm. Muốn tự chủ sản xuất thuốc chữa bệnh thì tất nhiên là phải tự chủ về nguyên liệu.

Chuyển sản xuất về châu Âu, ngoài chuyện chi phí nhân công cao còn phải tốn kém để thỏa mãn các tiêu chí môi trường, vì sản xuất dược phẩm cũng là ngành gây ô nhiễm, chi phí sản xuất một viên thuốc cảm tại châu Âu chắc chắn sẽ cao hơn. Ngoài ra, chuyển một dây chuyền sản xuất dược phẩm từ châu Á về châu Âu sẽ mất ít nhất 2 năm nếu đã có sẵn nhà máy, còn như xây nhà máy từ đầu thì phải là 5 năm.

Chiến lược Dược phẩm châu Âu nhằm tăng tự chủ một số dược phẩm cơ bản - Ảnh 2.

Các nước châu Âu đã rơi vào thế bị động do lệ thuộc quá nhiều vào nguồn dược phẩm từ bên ngoài.

Ví dụ ở Pháp, tới 80% nguyên liệu cho ngành dược đang phải nhập khẩu từ Trung Quốc. "Chiến lược Dược phẩm châu Âu" mà Ủy ban châu Âu công bố là một cách gián tiếp thừa nhận mặt trái của cung cách sản xuất và phân phối dược phẩm trong 30 năm trở lại đây.

Một châu Âu dẫn đầu thế giới về công nghệ dược phẩm, vậy mà từ nhiều năm nay, khan hiếm dược phẩm vẫn thỉnh thoảng là vấn đề. Không phải là khan hiếm các loại thuốc đặc trị đắt tiền, hay liệu pháp trị liệu tiên tiến mà toàn là những dược phẩm đã tồn tại từ hàng chục năm nay, công thức không còn gì là bí mật, có thể sản xuất dễ dàng với chi phí thấp.

Ông Mathieu Escot - Tổ chức bảo vệ người tiêu dùng Pháp UFC cho rằng: "Đối với nhiều loại thuốc xưa nay vẫn rất hữu ích, các hãng dược tìm cách hạ giá thành, bằng cách tạo ra chuỗi cung ứng dài hơn, phức tạp hơn và do đó mong manh hơn".

Đại dịch COVID-19 cho thấy những điểm yếu bất ngờ của cung cách sản xuất toàn cầu hóa. Hóa ra là những sản phẩm cơ bản vẫn luôn có giá trị không gì thay thế được. Khi đại dịch bùng phát, nhiều người vội đi mua đồ dự trữ như bột mì và giấy vệ sinh, chứ không phải tôm hùm hay rượu champagne. Bệnh viện, hiệu thuốc thiếu dược phẩm thì chủ yếu là thiếu các loại thuốc thông dụng. Giữa tháng này, Thượng viện Pháp đã phải thông qua dự luật bắt buộc dự trữ thuốc cơ bản.

Châu Âu mở chiến dịch chống dược phẩm giả quy mô lớn Châu Âu mở chiến dịch chống dược phẩm giả quy mô lớn Châu Âu đẩy mạnh chống buôn lậu dược phẩm và dược phẩm giả Châu Âu đẩy mạnh chống buôn lậu dược phẩm và dược phẩm giả Nước Anh có thể khó tiếp cận dược phẩm từ châu Âu hậu Brexit Nước Anh có thể khó tiếp cận dược phẩm từ châu Âu hậu Brexit

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước