Đây là văn hóa đã xuất hiện gần 1.000 năm trước của Nhật Bản.
Vào mỗi dịp cuối năm, hàng loạt mẫu thiệp chúc mừng năm mới được bày bán tại tất cả các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, bưu điện, nhà sách... Những tấm thiệp của Nhật Bản có kích thước 10 x 14,8 cm, một mặt sẽ là tên và địa chỉ người nhận, một mặt là hình trang trí, thường là hình ảnh con giáp của năm đó, kèm theo lời chúc năm mới.
Chị Sachie, người dân Nhật Bản, nói: "Tôi thường gửi thiệp năm mới cho bố mẹ ở nơi xa cũng như bạn bè của bố mẹ mà lâu rồi không gặp. Vừa để hỏi thăm họ, chúc năm mới tốt đẹp và hơn hết là biết được họ có khỏe mạnh hay không".
Thiệp năm mới bắt nguồn từ thời kỳ Heian, khoảng thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ 12, nhưng phải đến đến năm 1873, khi hệ thống bưu chính tại Nhật Bản được vận hành, hình thức thiệp chúc mừng năm mới mới bắt đầu phổ biến và thịnh hành cho đến ngày nay.
Những tấm thiệp năm mới là nơi chứa đựng tình cảm của người gửi, có giá trị như món quà đầu tiên trong năm mới, giúp mọi người cảm thấy gắn bó với nhau hơn.
Theo Bưu điện Nhật Bản, có khoảng 1,64 tỉ tấm thiệp sẽ được bán ra thị trường trong dịp năm mới 2023. Ngoài các tấm thiệp chúc mừng năm mới, Bưu điện Nhật Bản cũng phát hành các loại thiệp mừng điện tử có thể gửi qua ứng dụng tin nhắn Line. Năm nay, sẽ có 105 mẫu thiệp được cung cấp, rất được giới trẻ yêu thích.
Trong xã hội hiện đại, có rất nhiều hình hình thức thăm hỏi nhau trong ngày đầu năm mới, có thể là qua điện thoại, tin nhắn hoặc qua mạng xã hội. Tuy nhiên, với đại đa số người Nhật Bản, việc gửi và nhận một tấm thiệp chúc mừng từ những người thân quen trong dịp này là một truyền thống được trân trọng và mong chờ nhất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!