Vì sao kinh tế Trung Quốc vẫn phục hồi vững chắc giữa đại dịch COVID-19?

Thanh Hiệp-Thứ hai, ngày 19/10/2020 18:42 GMT+7

VTV.vn - Trong bối cảnh thế giới vẫn đang lao đao vì đại dịch COVID-19, Trung Quốc đang trở thành nền kinh tế lớn duy nhất có mức tăng trưởng dương trong năm nay.

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 4,9% trong quý III

Ngày 19/10, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố các số liệu thống kê mới nhất cho thấy, nền kinh tế nước này trong quý III năm nay đã tăng trưởng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng đáng kể so với kết quả 3,2% đạt được trong quý II.

Vì sao kinh tế Trung Quốc vẫn phục hồi vững chắc giữa đại dịch COVID-19? - Ảnh 1.

Kinh tế Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng GDP 4,9% trong quý III/2020 (Nguồn: CGTN)

Ông Julian Evans Pritchard - chuyên gia kinh tế cấp cao về Trung Quốc của Capital Economics nhận định: "Nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục phục hồi nhanh chóng hơn quý trước, với sự phục hồi ngày càng mở rộng, và dần ít phụ thuộc vào các chính sách kích thích kinh tế hơn".

Trong bối cảnh phần lớn thế giới vẫn đang phải tiếp tục vật lộn với đại dịch COVID-19, sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc đang diễn ra tương đối thuận lợi nhờ vào việc kiềm chế tốt dịch bệnh. Bên cạnh việc thực thi các chính sách nghiêm ngặt để phòng ngừa dịch bệnh, Bắc Kinh đã chi hàng trăm tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhờ đó, nền kinh tế số 2 thế giới đã ghi nhận mức tăng trưởng 0,7% trong 9 tháng đầu năm.

Wang Dan - chuyên gia kinh tế trưởng của Hang Seng Bank China nhận định: "Tăng trưởng GDP trong quý III đã nhanh hơn nhiều so với giai đoạn nửa đầu năm, chủ yếu là nhờ động lực từ hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng, bất động sản, và các kết quả tốt trong hoạt động xuất khẩu".

Vì sao kinh tế Trung Quốc vẫn phục hồi vững chắc giữa đại dịch COVID-19? - Ảnh 2.

Đầu tư cơ sở hạ tầng đang đóng góp lớn vào đà phục hồi của kinh tế Trung Quốc (Nguồn: Reuters)

Tốc độ tăng trưởng 4,9% vẫn thấp hơn đôi chút so với dự kiến trước đó của giới chuyên gia. Theo các cuộc khảo sát riêng biệt trước đó của Refinitiv và AFP, các chuyên gia dự báo nền kinh tế Trung Quốc có thể đạt mức tăng trưởng 5,2% trong quý III. Bloomberg đưa ra con số cao hơn là 5,3%.

Các chuyên gia kinh tế có nhiều đánh giá khác nhau về vấn đề này. Theo ông Louis Kuijs - Trưởng Bộ phận Kinh tế châu Á tại Oxford Economics, "Mức tăng trưởng này cho thấy sự phục hồi kinh tế sau đại dịch vẫn đang tiếp diễn, dẫn đầu bởi hoạt động đầu tư và xuất khẩu. Tuy nhiên, mức tăng trưởng GDP vẫn thấp hơn dự báo của chúng tôi là 5,3%, bởi tốc độ tăng trưởng đầu tư cơ sở hạ tầng, hoạt động đầu tư của doanh nghiệp và tiêu dùng vẫn còn yếu, chưa đạt như kì vọng."

Tuy nhiên chuyên gia về kinh tế Trung Quốc của ngân hàng Nomura (Nhật Bản) Lu Ting lại nhận định, "kết quả thấp hơn dự báo này một phần là do sự biến động cao khiến việc dự báo trở nên khó khăn hơn". Ông nhấn mạnh, điều này không đồng nghĩa với việc sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc gặp trở ngại.

Các số liệu kinh tế tích cực

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, nhiều chỉ số kinh tế quan trọng của nước này đều đạt được kết quả khả quan. Sản lượng công nghiệp trong quý III đã tăng 5,8% so với một năm trước đó, và nhanh hơn mức tăng 4,4% trong quý II. Đầu tư tài sản cố định cũng đã ghi nhận mức tăng 0,8% trong 3 quý đầu năm.

Tỷ lệ thất nghiệp tại các đô thị theo khảo sát chính thức đã giảm xuống mức 5,4% trong tháng 9, so với mức kỷ lục 6,2% hồi tháng 2, khi đại dịch COVID-19 ở trong giai đoạn cao điểm. Bắc Kinh dự kiến sẽ tạo ra 9 triệu việc làm mới tại các thành phố trong năm nay, so với con số 11 triệu của năm ngoái, đồng thời duy trì tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị vào khoảng 6%. Tuy nhiên, một số chuyên gia phân tích chưa coi đây là mô tả chính xác về tình hình việc làm nói chung tại Trung Quốc, bởi nó chưa tính đến hàng triệu lao động nhập cư.

Trước đó, hôm 16/10, giới chức Trung Quốc cũng công bố các số liệu cho thấy, luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nước này trong tháng 9 vừa qua cũng tăng mạnh 25%, bất chấp những căng thẳng trong quan hệ với Mỹ. Đây được coi là cơ sở vững chắc để Trung Quốc tiếp tục củng cố vị thế của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Kỳ vọng vào ngành dịch vụ và tiêu dùng

Đáng chú ý, khu vực dịch vụ cũng mở rộng hoạt động với tốc độ nhanh hơn, tăng trưởng 4,3% trong quý III, so với mức chỉ 1,9% của quý trước. Theo ông Chaoping Zhu - chiến lược gia thị trường toàn cầu tại JP Morgan Asset Management, ngành dịch vụ đã có phần tụt hậu so với các ngành khác hồi đầu năm nay, do tác động từ dịch bệnh và các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội. Tuy nhiên những sự phục hồi gần đây đang báo hiệu "một sự tăng trưởng trên phạm vi rộng hơn trong nền kinh tế".

Vì sao kinh tế Trung Quốc vẫn phục hồi vững chắc giữa đại dịch COVID-19? - Ảnh 3.

Tiêu dùng và dịch vụ được kỳ vọng sẽ hỗ trợ đà tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc giai đoạn cuối năm (Nguồn: Reuters)

Doanh số bán lẻ cũng đang dần được cải thiện, với mức tăng 3,3% chỉ riêng trong tháng 9 và 0,9% trong cả quý III. Bà Liu Aihua - phát ngôn viên Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc khẳng định: "Cho đến nay, chúng tôi có thể khẳng định, hoạt động tiêu dùng đã tăng vọt sau cú sốc lớn từ đại dịch. Sự phục hồi đang diễn ra". Bà cũng cho biết thêm rằng, ngày càng có nhiều người dân Trung Quốc "sẵn sàng ra khỏi nhà và tiêu tiền tại các cửa hàng", khi đại dịch đã được kiểm soát.

Ông Larry Hu - chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Macquarie nhận định: "Với việc nền kinh tế hoạt động bình thường trở lại, sự phục hồi trong giai đoạn tới sẽ phụ thuộc phần lớn vào hoạt động tiêu dùng". Ông kỳ vọng nhu cầu tiêu dùng tại Trung Quốc sẽ tăng tốc trong những tháng tới, nhờ cú hích mạnh mẽ từ kỳ nghỉ dài ngày dịp Quốc khánh hồi đầu tháng 10.

Ảnh hưởng từ đà phục hồi của kinh tế Trung Quốc

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo Trung Quốc sẽ là nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới có mức tăng trưởng dương trong năm nay, ở mức 1,9%. Chuyên gia của IMF cũng hối thúc Bắc Kinh cần củng cố nền tảng tài chính vĩ mô để ứng phó những thách thức ngày càng lớn hơn từ đại dịch COVID-19.

Hôm Chủ nhật (18/10), Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Dịch Cương nhận định, kinh tế Trung Quốc có nhiều tiềm năng phục hồi và sẽ tăng trưởng 2% trong năm nay. Ông khẳng định, sự phục hồi này "có lợi cho sự phục hồi của kinh tế toàn cầu".

Vì sao kinh tế Trung Quốc vẫn phục hồi vững chắc giữa đại dịch COVID-19? - Ảnh 4.

Các nước có thể hưởng lợi từ sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc (Nguồn: Reuters)

Chuyên gia Rob Subbaraman - trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế vĩ mô toàn cầu của Nomura tại Singapore cũng cho biết: "Sự phục hồi của Trung Quốc là một thông điệp đáng khích lệ và đầy hy vọng đối với phần còn lại của thế giới: Nếu bạn có thể xử lý thành công cuộc khủng hoảng y tế, nền kinh tế của bạn có thể phục hồi".

Bên cạnh những ý nghĩa về mặt tinh thần, đà phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới được dự báo cũng sẽ tác động tích cực đến nhiều quốc gia. CNBC dẫn lời ông David Chao, chiến lược gia về thị trường toàn cầu tại châu Á - Thái Bình Dương của công ty Invesco cho biết: "Các nền kinh tế ở châu Á sẽ là đối tượng được hưởng lợi lớn từ đà phục hồi của kinh tế Trung Quốc". Ông khẳng định: "Sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc sẽ đưa các nền kinh tế châu Á tiến lên một mức độ nhất định".

Chia sẻ quan điểm này, giáo sư Eswar Prasad tại Đại học Cornell (Mỹ) nhận định, ngay cả khi Trung Quốc đang hướng tới nền kinh tế nội địa nhiều hơn, tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của nước này vẫn sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với khu vực châu Á. "Rốt cuộc, với quy mô kinh tế của mình, châu Á sẽ không thể thịnh vượng nếu Trung Quốc không thịnh vượng" - giáo sư Prasad kết luận.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước