Vì sao "nóc nhà thế giới" Everest không ngừng cao lên?

Mạnh Dương (Theo Guardian)-Thứ ba, ngày 01/10/2024 10:51 GMT+7

(Ảnh: Freepik)

VTV.vn - Sự xói mòn của sông đã đẩy ngọn núi Everest lên cao và tăng thêm 15 đến 50 mét trong 89.000 năm qua.

Chinh phục đỉnh núi Everest luôn là một thành tựu đáng kể, nhưng nghiên cứu mới nhất cho thấy nhiệm vụ này có thể đang trở nên khó khăn hơn. Các chuyên gia cho rằng Everest đang trải qua một giai đoạn phát triển bất thường.

Dãy Himalaya hình thành khoảng 50 triệu năm trước do va chạm giữa tiểu lục địa Ấn Độ và mảng kiến tạo Á-Âu. Tuy nhiên, quá trình này vẫn tiếp diễn, khiến dãy núi tiếp tục được đẩy lên cao, kèm theo tình trạng lở đất, xói mòn... dẫn đến một phần đá bị trôi mất.

Nghiên cứu mới chỉ ra rằng Everest, hiện cao 8.849 mét, đã tăng thêm từ 15 đến 50 mét trong 89.000 năm qua nhờ vào sự xói mòn từ các con sông lân cận. 

"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy ngay cả đỉnh núi cao nhất thế giới cũng chịu ảnh hưởng của các quá trình địa chất có thể làm thay đổi chiều cao trong khoảng thời gian ngắn" - Giáo sư Jingen Dai, đồng tác giả nghiên cứu từ Đại học Địa chất Trung Quốc, cho biết.

Giáo sư Jingen Dai lưu ý rằng Everest là một trường hợp đặc biệt, cao hơn khoảng 250 mét so với các đỉnh núi khác trong dãy Himalaya. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng mô hình máy tính để phân tích sự phát triển của mạng lưới sông và phát hiện rằng khoảng 89.000 năm trước, phần thượng nguồn của sông Arun đã hợp nhất với phần hạ nguồn, dẫn đến gia tăng xói mòn và hình thành hẻm núi Arun.

Sự gia tăng dòng chảy và xói mòn đã làm giảm trọng lượng trên vỏ trái đất, dẫn đến một quá trình được gọi là phục hồi "isostatic", giúp nâng cao đất xung quanh. Họ ước tính quá trình này đang đẩy Everest lên khoảng 0,16mm đến 0,53mm mỗi năm, với các đỉnh lân cận như Lhotse và Makalu cũng trải qua sự nâng cao tương tự.

"Hiệu ứng này sẽ không kéo dài vô tận, quá trình này sẽ tiếp tục cho đến khi hệ thống sông đạt đến trạng thái cân bằng mới" - Giáo sư Jingen Dai cho biết.

Nghiên cứu cũng mở ra khả năng áp dụng cho các hiện tượng tương tự ở các dãy núi khác, và có thể giúp hiểu rõ hơn về sự nâng cao địa chất trong các khu vực hoạt động kiến tạo.

Phải mất nhiều năm để dọn dẹp rác thải trên đỉnh Everest Phải mất nhiều năm để dọn dẹp rác thải trên đỉnh Everest Chiến dịch dọn dẹp ngăn Everest biến thành nghĩa địa Chiến dịch dọn dẹp ngăn Everest biến thành nghĩa địa Đưa đồ tiếp tế bằng máy bay không người lái lên đỉnh Everest Đưa đồ tiếp tế bằng máy bay không người lái lên đỉnh Everest

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước