Núi lửa Nyiragongo phun trào lửa đỏ rực và khói cuồn cuộn lên không trung. (Ảnh: AP)
Núi lửa Nyiragongo hiếm khi yên tĩnh. Nyiragongo ở phía Đông Cộng hòa Dân chủ Congo này là một trong số ít núi lửa trên thế giới có hồ dung nham sủi bọt liên tục bên trong miệng núi lửa.
Vào cuối ngày 22/5 (theo giờ địa phương), các vết nứt đã mở ra ở những cạnh đá của núi lửa, khiến dung nham tràn ra và di chuyển nhanh xuống các sườn núi. Hai vụ phun trào gần đây vào năm 1977 và 2002 của núi Nyiragongo được coi là thảm họa. Năm 1977, ước tính có khoảng 600 đến 2.000 người đã thiệt mạng do dung nham phun trào. Vào năm 2002, nham thạch nóng chảy đã phá hủy tới 1/5 diện tích thành phố Goma, khiến khoảng 120.000 người bị mất nhà cửa và khoảng 250 người thiệt mạng do bị ngạt khí carbon dioxide, bỏng và trong vụ nổ do dung nham kích hoạt tại một trạm xăng.
Những thảm họa trong quá khứ đã khiến các nghiên cứu nhà núi lửa lo lắng mỗi khi núi Nyiragongo có dấu hiệu phun trào. Ông Benoît Smets, một chuyên gia địa chất tại Bảo tàng Hoàng gia Trung Phi ở Tervuren, Bỉ, cho biết: “Đó là một trong những ngọn núi lửa nguy hiểm nhất ở châu Phi".
Hồ dung nham sủi bọt liên tục bên trong miệng núi lửa Nyiragongo. (Ảnh: AP)
"Danh tiếng chết người" của núi lửa Nyiragongo xuất phát từ hàng loạt yếu tố. Do sự phức tạp về địa chất của khu vực, dung nham chảy từ núi lửa rất lỏng, có thể di chuyển với tốc độ lên tới 64 km/h. Các vụ núi lửa phun trào cũng có thể phát ra lượng lớn khí carbon dioxide gây chết người lên không trung. Điều này là cực kỳ đáng lo ngại vì có tới hàng triệu người sinh sống trong khu vực quanh núi lửa này.
Bên cạnh đó, thực trạng bất ổn chính trị trong khu vực và các cuộc xung đột khiến việc giám sát núi lửa Nyiragongo gặp nhiều khó khăn. Bất chấp những nỗ lực của Đài quan sát núi lửa Goma, được thành lập tại thành phố Goma vào năm 1986, không có tín hiệu cảnh báo rõ ràng nào được phát hiện trước vụ phun trào mới nhất của núi lửa này.
Corentin Caudron, nhà nghiên cứu núi lửa tại Viện Khoa học Trái đất ở Grenoble, Pháp, cho biết: "Với tất cả những yếu tố này, núi lửa Nyiragongo có khả năng tạo ra kiểu phun trào vô cùng đáng sợ”.
Đỉnh núi Nyiragongo cao hơn 3.400m so với Vườn quốc gia Virunga ở Cộng hòa Dân chủ Congo. Magma của núi lửa đặc biệt giàu carbon dioxide, một loại khí không màu, không mùi. Khí này thường âm thầm lan tỏa ra bề mặt thông qua tầng ngậm nước phía trên khối magma. Đặc hơn không khí, carbon dioxide từ magma tụ lại ở những vùng trũng (người dân địa phương gọi là mazuku).
Núi lửa Nyiragongo phun trào vô cùng đáng sợ và gây ra nhiều thiệt hại. (Ảnh: AP)
Ông Smets cho biết, có nhiều người tử vong mỗi năm vì mazuku tại khu vực này. Magma giàu khí carbon dioxide nguy hiểm có thể đột ngột phun ra từ các khe nứt trên núi.
Các vụ phun trào ở Nyiragongo thường xảy ra khi áp lực tích tụ magma hoặc một trận động đất khiến nhiều khe nứt ở các cạnh của núi xuất hiện, dẫn đến sự phun trào hồ dung nham hoặc phun trào magma ở các tầng lưu trữ sâu hơn.
Tuy nhiên, những vụ phun trào khác nhau lại có đặc điểm khác nhau. Do đó, việc theo dõi núi lửa để phát hiện các dấu hiệu núi lửa chuẩn bị phun trào là rất khó khăn và đợt bùng phát mới nhất của núi lửa Nyiragongo là một ví dụ điển hình cho những thách thức này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!