Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk ngày 10/4 đã thông báo quyết định từ chức. Quyết định này được đưa ra sau một thời gian dài Ukraine chìm vào khủng hoảng chính trị, kinh tế. Sau hai năm kể từ ngày xảy ra các cuộc biểu tình trên đường phố đưa ông Yatsenyuk lên nắm quyền, Thủ tướng Ukraine đã phải tuyên bố rời nhiệm sở trước sức ép lớn từ trong nội bộ và tình hình kinh tế yếu kém của đất nước.
Sự ra đi của Thủ tướng Ukraine được dư luận coi là sự "ở lại" của ông để nắm giữ một chức vị rộng hơn mà trước mắt là củng cố phái Mặt trận nhân dân trong Quốc hội, tiến tới tranh cử Tổng thống trong tương lai không xa. Tuy nhiên, để đạt được điều này không đơn giản vì trên chính trường Ukraine, uy tín và hình ảnh của Thủ tướng Yatsenyuk đang bị “tuột” theo sự lao dốc của nền kinh tế Ukraine. Theo kết quả của một cuộc thăm dò dân ý gần đây, hoạt động của Chính phủ Ukraine của Thủ tướng Yatsenyuk chỉ đạt 8% người dân ủng hộ, gần 77% mong muốn Thủ tướng từ chức.
Khủng hoảng chính trị trong tình trạng kinh tế yếu kém thật sự là vật cản to lớn trên con đường hội nhập châu Âu của Ukraine. Một Ukraine bất ổn đang đứng trước bờ vực của sự phá sản, khủng hoảng tại Donbass sẽ là một gánh nặng của châu Âu. Có lẽ vì vậy mà cử tri Hà Lan đã bỏ phiếu chống lại việc phê chuẩn hiệp ước mở đầu cho quá trình hội nhập châu Âu của Ukraine. Việc ông Yatsenyuk ra đi là cơ hội để Ukraine thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - chính trị trầm trọng hiện nay, qua đó Chính phủ mới tại Ukraine thực hiện được những cải cách, chống tham nhũng - thông điệp cho những nước phương Tây và Mỹ thấy được sự đổi mới để họ tiếp tục các kế hoạch hỗ trợ tài chính cho Ukraine.
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.