Cuộc điều tra của Văn phòng Tổng thanh tra (OIG) thuộc Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên hợp quốc diễn ra trong bối cảnh tổ chức viện trợ lương thực của Liên hợp quốc chi nhánh tại Sudan đang phải vật lộn để nuôi sống hàng triệu người dân nước này đang bị chiến tranh tàn phá. Người dân Sudan hiện đang phải hứng chịu một trong những tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng nhất thế giới trong nhiều năm qua.
Là một phần của cuộc điều tra, các nhà điều tra đang xem xét liệu nhân viên WFP có tìm cách che giấu vai trò bị cáo buộc của quân đội Sudan trong việc cản trở viện trợ hay không. Cáo buộc được đưa ra trong bối cảnh cuộc chiến kéo dài 16 tháng giữa quân đội Sudan với Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF) đối thủ nhằm giành quyền kiểm soát đất nước.
Một trong những người đang bị điều tra là Phó Giám đốc quốc gia của WFP tại Sudan - ông Khalid Osman, người đã được giao "nhiệm vụ tạm thời" bên ngoài Sudan, thực chất là một lệnh đình chỉ công tác.
Quan chức cấp cao thứ hai - Giám đốc khu vực WFP Mohammed Ali - đang bị điều tra liên quan đến vụ "mất tích" hơn 200.000 lít nhiên liệu của tổ chức Liên hợp quốc tại thành phố Kosti của Sudan.
Ông Osman và ông Ali đã từ chối bình luận khi được Reuters liên hệ, chuyển yêu cầu của hãng thông tấn này đến Văn phòng Truyền thông của WFP.
Khi được hỏi về cuộc điều tra, WFP cho biết "những cáo buộc về hành vi sai trái của các nhân liên quan đến những bất thường trong hoạt động của chúng tôi tại Sudan" đang được Văn phòng tổng thanh tra của WFP xem xét khẩn cấp. Tổ chức này từ chối bình luận về hành vi sai trái bị cáo buộc hoặc tình trạng của những nhân viên cụ thể bị điều tra.
Cơ quan viện trợ của Chính phủ Mỹ USAID xác nhận trong một tuyên bố rằng họ đã được WFP thông báo vào ngày 20/8 về "các vụ việc gian lận tiềm ẩn ảnh hưởng đến hoạt động của WFP tại Sudan". USAID thông tin họ là nhà tài trợ lớn nhất cho WFP, cung cấp gần một nửa tổng số tiền đóng góp trong một năm thông thường.
Theo tuyên bố của USAID, những cáo buộc này thực sự đáng lo ngại và phải được điều tra kỹ lưỡng. USAID đã ngay lập tức chuyển những cáo buộc này đến Văn phòng Tổng thanh tra của USAID.
Trong những năm gần đây, hoạt động của WFP đã bị ảnh hưởng bởi tình trạng trộm cắp, chuyển hướng hàng viện trợ ở các quốc gia bao gồm Somalia và Yemen. Năm 2023, WFP và USAID đã tạm thời ngừng phân phối thực phẩm cho Ethiopia sau các báo cáo về tình trạng trộm cắp hàng viện trợ lương thực tràn lan ở đây.
Nhiều nhà hoạt động nhân đạo và nhà ngoại giao nói với Reuters rằng họ lo ngại thực trạng quản lý yếu kém tại văn phòng WFP ở Sudan có thể đã góp phần vào thất bại trong việc cung cấp đủ viện trợ trong cuộc chiến giữa quân đội Sudan và Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF).
Báo động nạn đói ở Sudan VTV.vn - Hơn 50% dân số Sudan, tương đương 26 triệu người, đang phải đối mặt với nạn đói cấp tính, trong đó có 755.000 người bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!