WHO kêu gọi hợp tác toàn cầu về tài trợ cho nỗ lực ứng phó đại dịch

Ban Thời sự/TTXVN-Thứ sáu, ngày 27/08/2021 06:52 GMT+7

Tổng Giám đốc WHO (giữa), Trưởng Ban chỉ đạo kỹ thuật WHO Maria Van Kerkhove (phải) và ông Michael Ryan, Giám đốc các chiến dịch khẩn cấp của WHO. (Ảnh: AP)

VTV.vn - Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, WHO đã kêu gọi tăng cường hợp tác toàn cầu trong việc tài trợ cho các nỗ lực chuẩn bị và ứng phó với đại dịch.

Phát biểu khai mạc tại cuộc họp báo ở Geneve (Thụy Sĩ), Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, trong một tuần qua, thế giới ghi nhận hơn 4,5 triệu ca mắc mới COVID-19, trên 68.000 trường hợp tử vong.

WHO nhấn mạnh, dù số ca mắc mới chững lại nhưng vẫn ở mức rất cao. Tình hình dịch diễn biến rất khác nhau giữa các khu vực, quốc gia, thậm chí giữa các tỉnh, thành trong một quốc gia. Một số khu vực và quốc gia tiếp tục chứng kiến số ca mắc và tử vong tăng mạnh, trong khi những khu vực khác đang giảm. Điều này cho thấy, virus SARS-CoV-2 vẫn là mối đe dọa mang tính toàn cầu.

Tổ chức Y tế Thế giới tiếp tục khuyến nghị cách tiếp cận toàn diện, phòng ngừa rủi ro thông qua các biện pháp xã hội và sức khỏe cộng đồng, kết hợp với tiếp cận vaccine COVID-19 công bằng. Hiện WHO đang triển khai các kế hoạch tăng cường khả năng ứng phó của thế giới với các bệnh dịch và đại dịch trong tương lai.

Là khách mời đặc biệt tại buổi họp báo, ông Tharman Shanmugaratnam, Bộ trưởng cấp cao kiêm Bộ trưởng Điều phối các chính sách xã hội Singapore, đồng thời là đồng Chủ tịch Ủy ban độc lập cấp cao G20 về tài trợ cho các cơ quan toàn cầu chuẩn bị và ứng phó với đại dịch, đã trình bày một số khuyến nghị nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có nguồn tài chính tốt hơn cho sự chuẩn bị và ứng phó toàn cầu, bao gồm cả các mặt hàng toàn cầu như vaccine.

WHO kêu gọi hợp tác toàn cầu về tài trợ cho nỗ lực ứng phó đại dịch - Ảnh 1.

Virus SARS-CoV-2 vẫn là mối đe dọa mang tính toàn cầu và thế giới cần tăng cường khả năng ứng phó. (Ảnh: AP)

Tháng 7/2021, Ủy ban độc lập cấp cao của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) về tài trợ cho các cơ quan toàn cầu về chuẩn bị và ứng phó với đại dịch đã công bố báo cáo với nhiều khuyến nghị về cách thức thực hiện. Báo cáo này có nhiều điểm chung với các báo cáo và khuyến nghị khác đã được xuất bản trong những tháng gần đây.

Trước đó, quan chức cấp cao của Tổ chức Y tế thế giới cho biết, tình trạng lan truyền thông tin sai lệch về đại dịch COVID-19 và vaccine phòng bệnh trong thời gian qua diễn ra nghiêm trọng hơn và khiến người dân trở nên do dự với quyết định đi tiêm phòng, làm tăng số ca mắc mới.

Phát biểu tại phiên hỏi đáp trực tuyến của WHO, Trưởng Ban chỉ đạo kỹ thuật của WHO Maria Van Kerkhove khẳng định, trong khoảng 4 tuần qua, lượng thông tin sai lệch dường như gia tăng đáng kể và gây hoang mang cho công chúng. Theo bà Kerkhove, thông tin sai lệch chính là một yếu tố nguy cơ giúp virus tiếp tục lây lan và gây hại. Trong khi đó, giới chức y tế cộng đồng đều cho rằng, chính những thông tin sai lệch đã làm gia tăng tâm lý hoài nghi về vaccine trên toàn thế giới.

Biểu đồ số ca mắc COVID-19 đi ngang, WHO đưa 2 kịch bản trong tương lai Biểu đồ số ca mắc COVID-19 đi ngang, WHO đưa 2 kịch bản trong tương lai WHO nhận định không cần thiết tiêm mũi vaccine tăng cường WHO nhận định không cần thiết tiêm mũi vaccine tăng cường WHO kêu gọi tạm ngừng tiêm liều vaccine thứ ba WHO kêu gọi tạm ngừng tiêm liều vaccine thứ ba

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước