Dù 2022 là một năm đầy thách thức đối với sức khỏe toàn cầu nhưng chúng ta vẫn có nhiều lý do để hy vọng vào thời điểm năm mới 2023 đang đến gần. Đây là thông điệp được Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra trong cuộc họp báo vào ngày 21/12.
Ông Ghebreyesus chỉ ra rằng, năm 2022, năm thứ ba đại dịch COVID-19 lây lan trên toàn cầu, nhiều nước trên thế giới đã chứng kiến các đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ, dịch tả, trong khi dịch Ebola hoành hành ở Uganda. Hạn hán và lũ lụt tấn công vùng Sừng châu Phi và vùng Sahel cùng lũ lụt ở Pakistan cùng một số tình trạng khẩn cấp khác về y tế.
Tuy nhiên, người đứng đầu WHO chỉ ra rằng, vào thời điểm những ngày cuối cùng của năm 2022 đang dần khép lại, chúng ta vẫn còn nhiều lý do để hy vọng. Đại dịch COVID-19 và bệnh đậu mùa khỉ đang trên đà suy yếu, còn tại Uganda đã không ghi nhận ca mắc mới bệnh Ebola nào trong hơn 3 tuần qua. Do vậy, người đứng đầu WHO hy vọng, cơ quan này có thể tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp đối với các dịch bệnh trên vào những thời điểm khác nhau trong năm 2023.
Tổng Giám đốc WHO nêu rõ, đại dịch COVID-19 đang trên đà suy yếu. Số ca tử vong do COVID-19 được báo cáo hàng tuần trên toàn thế giới đã giảm gần 90% kể từ mức đỉnh thời điểm biến thể Omicron hoành hành vào cuối tháng 1/2022. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng vẫn còn quá nhiều lỗ hổng và sự thiếu chắc chắn để khẳng định rằng đại dịch COVID-19 đã kết thúc.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. (Ảnh: AP)
Những lỗ hổng trong giám sát, xét nghiệm và giải trình tự gene khiến chúng ta gặp khó khăn trong việc tìm hiểu chính xác virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đang biến đổi ra sao. Trong khi đó, những lỗ hổng trong tiêm chủng đã khiến hàng triệu người, đặc biệt là nhân viên y tế và người già, có nguy cơ cao mắc bệnh nặng và dẫn tới tử vong.
Những khoảng trống trong điều trị có nghĩa là mọi người đang chết một cách vô ích; những lỗ hổng trong hệ thống y tế khiến con người không thể đối phó với sự gia tăng số lượng bệnh nhân mắc COVID-19, cúm và các bệnh khác. Những lỗ hổng trong nhận thức của chúng ta về hậu COVID-19 có nghĩa là chúng ta không nắm được về cách thức tốt nhất để điều trị cho những người đang chịu hậu quả lâu dài của việc bị nhiễm virus.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!