Hình ảnh minh họa các dòng phụ của biến thể Omicron gây bệnh COVID-19. (Ảnh: News-medical.net/TTXVN)
Việc theo dõi các ca nhiễm hai biến thể phụ mới của Omicron BA.4 và BA.5 nhằm mục đích xem các biến thể phụ này có dễ lây lan hay nguy hiểm hơn hay không.
WHO đã bổ sung BA.4 và BA.5, biến thể "cùng lứa" của biến thể phụ gốc BA.1 của Omicron, vào danh sách các biến thể cần theo dõi. WHO đã theo dõi biến thể phụ BA.1 và BA.2, hiện chiếm chủ đạo số ca mắc mới COVID-19 trên toàn cầu, cũng như biến thể phụ BA.1.1 và BA.3.
WHO cho biết "cần nghiên cứu sâu hơn những đột biến mới của các biến thể phụ này để hiểu về tác động của chúng đối với khả năng trốn hệ miễn dịch của virus".
Tất cả các loại virus thay đổi theo thời gian. Tuy nhiên, chỉ có một số biến thể tác động tới khả năng lây lan hoặc lẩn trốn được khả năng miễn dịch có được nhờ tiêm phòng hoặc sau khi mắc bệnh, hay mức độ nghiêm trọng của bệnh do các biến thể phụ này gây ra.
Nhân viên phòng thí nghiệm đang làm việc để giải trình tự gene của virus SARS-CoV-2. (Ảnh: CBC News)
Ví dụ, biến thể phụ BA.2 của Omicron (còn gọi là biến thể "Omicron tàng hình") hiện gây ra gần 94% số ca mắc được giải trình tự gene. Biến thể này dễ lây lan hơn so với các biến thể phụ khác, nhưng các bằng chứng cho đến nay cho thấy, BA.2 không có khả năng làm bệnh trở nặng.
Theo WHO, chỉ có một số ca nhiễm biến thể phụ BA.4 và BA.5 được thông báo cho Cơ sở dữ liệu toàn cầu (GISAID) của WHO.
Cơ quan An ninh Y tế Anh tuần trước cho biết, biến thể phụ BA.4 đã được phát hiện ở Nam Phi, Đan Mạch, Botswana và một số nơi tại Vương quốc Anh từ ngày 10/1 đến ngày 30/3. Trong khi đó, toàn bộ các ca nhiễm biến thể phụ BA.5 được phát hiện ở Nam Phi.
Bộ Y tế Botswana ngày 11/4 thông báo, nước này đã phát hiện 4 ca nhiễm biến thể phụ BA.4 và BA.5 ở những người từ 30 - 50 tuổi, đã tiêm phòng đầy đủ và có các biểu hiện triệu chứng thể nhẹ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!