Trong lúc này, cộng đồng quốc tế đang nỗ lực thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao để hạ nhiệt tại chảo lửa Trung Đông. Tuy nhiên, quan điểm của các nước có vai trò quan trọng trong tiến trình hòa bình Trung Đông lại đang có những bất đồng. Cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hôm qua kết thúc trong sự bế tắc khi không đưa ra được tuyên bố chung hay nghị quyết mang tính ràng buộc trước tình hình tại Dải Gaza.
Ông Robert Wood - Phó đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc nói: "Hamas cần tiếp tục bị lên án cho đến khi họ ngừng hành động bạo lực chống lại người dân Israel".
Nga và Trung Quốc cho rằng thay vì chỉ trích lẫn nhau, Hội đồng Bảo an cần phải giải quyết tận gốc vấn đề của xung đột - vốn đã bị ngừng trệ từ lâu.
Ông Sergei Lavrov - Bộ trưởng Ngoại giao Nga cho rằng: "Vấn đề cấp bách không phải chỉ dừng cuộc giao tranh và tìm giải pháp cho những vấn đề mà người dân vô tội đang hứng chịu lúc này mà còn phải chú ý đến việc vì sao vấn đề người Palestine không được giải quyết trong hàng thập kỷ. Đã có những nghị quyết trực tiếp, rõ ràng, dứt khoát của Hội đồng Bảo an, các thỏa thuận giữa Israel và Paletine, bao gồm các thỏa thuận Oslo và Madrid, và tất nhiên cả 'Sáng kiến hòa bình Arab".
Theo ông Trương Quân - Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc: "Điều thực sự quan trọng là ngăn chặn tình hình leo thang hơn nữa và gây thương vong cho dân thường. Cùng với đó là sự quay trở lại giải pháp hai nhà nước và tiến trình hòa bình".
Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, quốc gia đã bình thường hóa quan hệ với Israel như một phần của thỏa thuận mang tính bước ngoặt năm 2020, cho biết họ trông đợi sẽ có nhiều cuộc họp của Hội đồng Bảo an về cuộc khủng hoảng tại Gaza.
Bà Lana Zaki Nusseibeh - Đại sứ Các tiểu vương quốc Arab thống nhất tại Liên hợp quốc cho biết: "Chúng tôi đang sử dụng mối quan hệ của mình với tất cả các bên để kêu gọi mọi người hãy bình tĩnh và giảm căng thẳng. Tổng thống chúng tôi hôm nay đã liên tục gọi điện đến các nhà lãnh đạo thế giới, lãnh đạo khu vực, kể cả lãnh đạo Israel để kêu gọi bình tĩnh, giảm leo thang và chúng tôi sẽ tiếp tục làm những gì có thể. Điều chúng ta cần hướng tới ngay bây giờ là lệnh ngừng bắn, chấm dứt bạo lực và nối lại các cuộc đàm phán".
Không chỉ riêng Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập cũng đang sử dụng tất cả khả năng để hạ nhiệt tình hình, cũng như tìm kiếm một lệnh ngừng bắn.
Trong diễn biến mới nhất, Chính phủ Israel hôm nay đã quyết định phong tỏa "toàn bộ" Dải Gaza, trong đó có lệnh cấm nhiên liệu và lương thực, đồng thời cũng khuyến cáo người dân Israel sinh sống tại dải Gaza nhanh chóng rời khỏi khu vực này. Một động thái cho thấy triển vọng chấm dứt xung đột khó có thể đạt được trong thời gian tới.
Tác động của xung đột Israel - Hamas tới an ninh khu vực
Với những gì đang diễn ra trên thực địa và những tuyên bố cứng rắn mà cả hai bên đưa ra, giới phân tích cho rằng cuộc xung đột giữa Israel với lực lượng Hamas có thể sẽ được định hình lại và chuyển sang một giai đoạn mới rất khó xác định kết cục vì tính chất bất thường của đợt leo thang. Ngay cả khi cuộc tấn công của Hamas kết thúc, tác động sẽ mang tính lâu dài và mang tính chiến lược.
Tổng thư ký Liên đoàn Arab ngày hôm qua đã tới Nga trong nỗ lực tìm kiếm một đối tác quốc tế có đủ sức nặng để thuyết phúc cả Hamas và Israel giảm nhiệt căng thẳng, bước vào bàn đàm phán. Có thể thấy phản ứng của các chính phủ Arab hiện nay là khá kiềm chế, đa phần đều kêu gọi các bên chấm dứt tình trạng bạo lực. Hiện ngoài Dải Gaza, điểm nóng khiến người ta lo ngại nhất chính là lực lượng Hezbollah tại Lebanon. Lực lượng này đã tuyên bố súng ống, tên lửa của họ giờ đây sẽ là để dành phục vụ cho lực lượng Hamas.
Ngày hôm qua, Hezbollah cũng đã bắn nhiều tên lửa và đạn pháo vào ba cứ điểm của quân đội Israel tại cao nguyên Golan, buộc quân đội Israel đã phải huy động nhiều xe tăng tới để phòng thủ. Một nguy cơ thứ khác có thể tác động tới tình hình an ninh khu vực là các phần tử cực đoan. Như hôm qua 2 du khách Israel đã bị bắn thiệt mạng tại thành phố Alexandria của Ai Cập. Theo các nguồn tin, Sứ quán Israel tại một số quốc gia cũng đã được tăng cường an ninh, đề phòng những tình huống bất ngờ có thể xảy ra.
Quá sớm để nghĩ tới một sự hòa giải
Ngày hôm qua, đáp lại lời kêu gọi là trung gian hòa giải của Thổ Nhĩ Kỳ, Israel cho biết, quá sớm để nghĩ tới một sự hòa giải trong lúc này. Theo phía Israel, ưu tiên lúc này của họ là phải đánh giá được mức độ thiệt hại, cũng như giải phóng được những người đang bị lực lượng Hamas bắt giữ. Hiện Israel đã huy động 300 nghìn quân dự bị.
Các nguồn tin thực địa cho biết, từ khi bạo lực bùng phát tới giờ, những tiếng bom tại Dải Gaza hầu như không dừng, dù chỉ 1 phút. Giao tranh hiện vẫn đang diễn ra khá quyết liệt tại khoảng 7, 8 địa điểm xung quanh Dải Gaza. Quân đội Israel cũng cho biết, mục tiêu của họ giờ đây sẽ là không để cho lực lượng Hamas còn có thể nắm được quyền lực tại Dải Gaza.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!