Xung đột ở Dải Gaza - một năm chưa ngừng tiếng súng

VTV Digital-Thứ hai, ngày 07/10/2024 15:44 GMT+7

VTV.vn - Sau 1 năm chiến sự giữa Israel - Hamas, hơn 41.700 người thiệt mạng, trên 10.000 người mất tích, 90% dân số Dải Gaza phải rời bỏ nhà cửa, vùng đất này bị tàn phá nặng nề.

Ngày 7/10/2023, từ Dải Gaza, lực lượng Hamas mở cuộc tấn công tổng lực sang miền Nam Israel. Lực lượng Phòng vệ Israel đã lập tức phát động chiến dịch quân sự đáp trả vào Dải Gaza.

Nhìn lại một năm xung đột tại Dải Gaza

Hôm nay, ngày 7/10 đánh dấu một năm xung đột tại Dải Gaza giữa Israel và lực lượng Hamas. Một năm qua đi nhưng vẫn chưa có dấu hiệu tích cực nào cho thấy giao tranh Israel - Hamas sẽ chấm dứt, thậm chí xung đột còn lan rộng ra nhiều điểm nóng khác ở khu vực Trung Đông.

Những con số nêu trên đã cho thấy sự tàn phá nặng nề mà Dải Gaza của Palestine phải hứng chịu sau một năm xung đột. Nếu nhìn lại tình hình chiến sự tại khu vực này trong một năm qua, có thể thấy cuộc xung đột Israel - Hamas đã để lại những hậu quả tàn khốc như thế nào. Cuộc chiến ở Gaza cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người dân và phá vỡ cuộc sống bình yên tại mảnh đất 2 triệu người - mà có lẽ chưa biết khi nào mới ngừng tiếng súng.

Ngày 7/10/2023, lực lượng Hamas mở cuộc tấn công tổng lực trên bộ, trên không và trên biển vào miền Nam Israel. Chỉ vài giờ sau, Lực lượng Phòng vệ Israel phát động chiến dịch quân sự vào Dải Gaza. Những tháng tiếp theo chứng kiến các cuộc giao tranh liên tục và chỉ nới lỏng một chút, mở đường cho các hoạt động nhân đạo.

Theo thống kê, hơn 41.700 người ở cả hai bên đã thiệt mạng trong cuộc xung đột này - bao gồm hơn 16.000 trẻ em, gần 100.000 người bị thương, trên 10.000 người khác mất tích. Khoảng 1,9 triệu người - tương đương 90% dân số Dải Gaza - đã phải rời bỏ nhà cửa nhiều lần. Hệ thống cơ sở hạ tầng, nhà ở, nền kinh tế, đất nông nghiệp của Gaza bị tàn phá nặng nề.

Xung đột ở Dải Gaza - một năm chưa ngừng tiếng súng - Ảnh 1.

(Ảnh: AP)

Ngoài chiến tranh, đạn pháo và bom mìn, người dân tại Dải Gaza còn đang phải đối mặt với một thảm họa nhân đạo khốc liệt chưa từng có. Điện, nước, lương thực, thực phẩm, thuốc men... đều thiếu hụt nghiêm trọng, dịch bệnh bùng phát và lây lan khắp nơi.

Người dân Dải Gaza hiện đang sống tại vùng đất mà cơ sở hạ tầng sự tàn phá nặng nề, nền kinh tế đang bị hủy hoại. Người dân nơi đây đều mong mỏi một giải pháp hòa bình bền vững, nhưng triển vọng cho điều này vẫn chưa thấy trước mắt.

Nguy cơ chiến tranh toàn diện tại Trung Đông sau sự kiện Dải Gaza

Một năm sau cuộc xung đột ở Dải Gaza, vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy hòa bình sẽ sớm lập lại ở khu vực này. Giao tranh hiện cũng đang lan sang các mặt trận khác trong khu vực, đáng chú ý là Lebanon - nơi cuộc chiến giữa Israel với lực lượng Hezbollah đang leo thang. Liệu sau 1 năm xung đột ở Dải Gaza, Trung Đông có đang bước vào 1 cuộc chiến toàn diện?

Chiến sự tại Gaza không chỉ dừng lại ở dải đất hẹp này. Sau sự kiện ngày 7/10/2023, xung đột đã bùng phát và lan rộng giữa Israel với các nhóm vũ trang thuộc "trục kháng chiến" của Iran - gồm lực lượng Hamas tại Dải Gaza, Hezbollah ở Lebanon và Houthi ở Yemen.

Trong khi tình hình ở Gaza vẫn còn là vấn đề nan giải, trong những tuần gần đây, Israel đã chuyển hướng tập trung về phía Bắc nhằm vào lực lượng Hezbollah ở miền Nam Lebanon.

Đại sứ Nguyễn Quang Khai - nhà bình luận các vấn đề Trung Đông - cho biết: "Hôm nay đánh dấu tròn 1 năm xung đột Israel - Hamas, với quy mô ác liệt nhất kể từ năm 1948. Đặc biệt, Israel đã mở rộng quy mô cuộc chiến về Lebanon nhằm tiêu diệt Hezbollah. Hành động này của Israel đã đẩy khu vực vào một cuộc chiến tranh toàn diện. Việc Iran nã tên lửa vào Israel và Israel có ý định đáp trả đang làm nguy cơ chiến tranh lan rộng trong khu vực trở nên hiện hữu hơn".

Xung đột ở Dải Gaza - một năm chưa ngừng tiếng súng - Ảnh 2.

(Ảnh: AP)

Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đang nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng tại khu vực Trung Đông, qua đó không có thêm một chiến trường khác như ở Dải Gaza.

Theo Đại sứ Nguyễn Quang Khai: "Vẫn có khả năng tránh được một cuộc chiến tổng lực bởi cuộc chiến như vậy sẽ tàn phá Trung Đông. Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đang tìm cách tháo ngòi nổ, kêu gọi các bên kiềm chế để tránh xảy ra thảm họa.

Yêu cầu từ cộng đồng quốc tế là thực hiện một lệnh ngừng bắn lâu dài, dỡ bỏ phong tỏa Dải Gaza để đảm bảo viện trợ nhân đạo, tạo điều kiện cho một giải pháp hòa bình bền vững.

Thách thức tái thiết Dải Gaza

Sau 1 năm xung đột, Dải Gaza đã bị tổn hại nặng nề về mọi mặt, cả về người và tài sản.

Rõ ràng còn quá sớm để có thể nói đến việc tái thiết thời kỳ hậu chiến tại Dải Gaza trong lúc này. Cuộc chiến tại Dải Gaza vẫn chưa kết thúc, nghĩa là Dải Gaza vẫn còn tiếp tục chìm trong vòng xoáy bạo lực, chưa biết bao giờ mới có thể tạm yên.

Tuy nhiên, một số tính toàn về sự tàn phá tại Dải Gaza đến thời điểm này cũng có thể khiến nhiều người giật mình. Dải Gaza là một trong những mảnh đất có mật độ dân số cao nhất thế giới, trung bình cứ 100 m2 có hơn 500 người cùng chung sống. Tuy nhiên, hiện 70% số công trình tại đây đã bị tàn phá. Và với số đất đá từ những căn nhà đổ nát hiện lên tới khoảng 40 triệu tấn, sẽ phải mất khoảng 15 năm thì mới có thể dọn dẹp được hết.

Xung đột ở Dải Gaza - một năm chưa ngừng tiếng súng - Ảnh 3.

(Ảnh: AP)

Một tính toàn của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho thấy quá trình tái thiết Dải Gaza sẽ là quá trình phức tạp và tốn kém nhất trên thế giới kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Với những cuộc chiến như tại Syria, Iraq trước đây, mức độ tàn phá cũng không đến vậy.

Tuy nhiên, mất mát về vật chất chưa phải đã là điều tồi tệ nhất ở Dải Gaza. Ở vùng đất ven biển này, hơn 40.000 người thiệt mạng chỉ trong một năm qua. Và trong 40.000 người đã tử vong, tới 25% là nam giới trong độ tuổi lao động. Sự mất mát về con người, đặc biệt là thanh niên - lực lượng lao động chính - mới thực sự để lại những hậu quả lâu dài tới sự sống nơi đây.

Những đứa trẻ trong cuộc xung đột tại Dải Gaza

"Hậu quả tàn khốc" là cụm từ được nhắc đi nhắc lại khi nói về cuộc xung đột tại Dải Gaza. Và có thể dễ dàng nhận ra đối tượng bị tổn thất nặng nề nhất chính là trẻ em. Hàng nghìn trẻ em bị cướp đi sinh mạng, hàng nghìn em trở thành trẻ mồ côi, hàng nghìn em không được tới trường. Thực trạng này cho thấy sự cấp thiết của việc chấm dứt vòng xoáy bạo lực, xung đột để trẻ em được sống trong hòa bình mà các em đáng được hưởng.

Có những đứa trẻ ngay khi vừa chào đời đã phải sống trong vòng xoáy xung đột. Có những đứa trẻ mất người thân trong cuộc chiến hỏi những câu nhói lòng: "Mẹ cháu đâu, tại sao cháu không còn cha?". Tất cả những điều này đã cho thấy sự tàn khốc của chiến tranh và sự quý giá của hòa bình, cũng như tầm quan trọng của việc gìn giữ cuộc sống bình yên.

Hàng chục nghìn trẻ em mồ côi, lạc cha mẹ giữa chiến sự Gaza Hàng chục nghìn trẻ em mồ côi, lạc cha mẹ giữa chiến sự Gaza UNICEF: Trẻ em ở Gaza bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi chiến tranh UNICEF: Trẻ em ở Gaza bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi chiến tranh Liên hợp quốc lo ngại về 'khả năng Lebanon trở thành một Gaza khác' Liên hợp quốc lo ngại về "khả năng Lebanon trở thành một Gaza khác"

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước