Theo tờ Economic Times, tuy chỉ có một số ít các công ty Mỹ kinh doanh trực tiếp với Nga hoặc Ukraine, các nhà đầu tư đang rất lo lắng về những tác động kinh tế tiêu cực sẽ xảy ra khi căng thẳng chính trị leo thang.
Ông Doug Cote, Giám đốc Chiến lược tại Voya Investment Management New York cho rằng: “Chừng nào tình trạng căng thẳng chính trị còn tiếp diễn, thị trường sẽ còn liên tục biến động mạnh vì không ai dám chắc được những bất ổn này sẽ diễn biến như thế nào”.
Còn tờ Wall Street Journal trích lời ông Simon Derrick, Giám đốc chiến lược Ngân hàng BNY Mellon tại London, cho rằng động thái này đã dập tắt mọi hi vọng căng thẳng sẽ sớm chấm dứt. Thị trường đã khá lạc quan về tình hình khủng hoảng Ukraine trong những ngày gần đây, nhưng với diễn tiến này, ông Simon cho rằng có lẽ căng thẳng chính trị sẽ tiếp tục leo thang, kéo theo thị trường tài chính đi xuống.
Không chỉ các nhà đầu tư Mỹ đang vò đầu bứt tai trước những diễn biến chính trị phức tạp, các nhà đầu tư và cả nền kinh tế châu Âu cũng đang hết sức lo ngại. Tờ Financial Times trích lời ông Anthony Karydakis, chuyên gia kinh tế chiến lược tại Miller Tabak cho rằng việc thị trường bối rối không rõ căng thẳng sẽ diễn biến như thế nào cũng làm việc thực hiện những kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng của ECB gặp rất nhiều khó khăn.
Ít nhất các thị trường mới nổi cũng không cần quá lo lắng vì những thị trường này không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ hai nước Nga và Ukraine. Theo lời ông David Hauner, Giám đốc Khu Thị trường mới nổi tại Ngân hàng Bank of America, nếu Fed không quá vội vã điều chỉnh lãi suất, gần như các thị trường mới nổi sẽ không phải chịu rủi ro gì.
Trần Hà