Doanh nghiệp vàng chuyển hướng kinh doanh

Kim Dung -Thứ hai, ngày 12/11/2012 08:51 GMT+7

Các DN kinh doanh vàng chuyển hướng kinh doanh vàng nữ trang. Ảnh: Lao động

Sau quy định siết chặt sản xuất và kinh doanh vàng miếng, nhiều doanh nghiệp vàng chuyển sang đầu tư và phát triển lĩnh vực nữ trang nhằm bù lại những khoảng hụt doanh thu theo dự kiến.  

Nhắm đến mảnh kinh doanh này, thời gian gần đây, nhiều xí nghiệp sản xuất nữ trang được khánh thành, máy móc thiết bị được đầu tư thêm, đội ngũ thiết kế và nghệ nhân cũng được đưa đi đào tạo nâng cao tay nghề, hàng chục cửa hàng nữ trang cũng được mở thêm. Có vẻ ngành vàng đang đi theo quy luật nếu cánh cửa này đóng lại, thì có cánh cửa khác mở ra.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nếu như nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất thì Xí nghiệp sản xuất nữ trang của Công ty PNJ với công suất lớn nhất Việt Nam hiện nay, đạt trên 4 triệu sản phẩm/năm lại vừa được đưa vào hoạt động. Để tiêu thụ hết sản phẩm do tăng năng suất, chỉ trong năm nay doanh nghiệp này đã phát triển thêm 15 cửa hàng bán lẻ trong nước và mở rộng thêm thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, theo PNJ điều cốt lõi để bán được nữ trang trong giai đoạn kinh tế khó khăn này là đa dạng mẫu mã và đưa kỹ thuật cao vào sản xuất để đảm bảo yếu tố thẩm mỹ và phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng.

Bà Phạm Thị Mỹ Hạnh, Phó TGĐ công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận - PNJ cho biết: “Có kỹ thuật làm trang sức tạo ra các mẫu nữ trang trông to nhưng không đòi hỏi viên kim cương có kích thước to, hay đá màu mình áp dụng kỹ thuật làm cho nhẹ nhàng, thanh mảnh đáp ứng nhu cầu, giá phù hợp thị trường”.

Cùng với chiến lược về sản xuất, thiết kế mẫu mã và tiếp thị sản phẩm, Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji chấp nhận bỏ thêm chi phí đầu tư nhân sự để nâng cao giá trị sản phẩm mà không nâng giá thành. Cách làm này có thể giảm lợi nhuận của công ty, nhưng bù lại là tăng uy tín với khách hàng.

Ông Đỗ Minh Đức, Phó TGĐ Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji nói: “Chúng tôi gửi nghệ nhân sang Đài Loan, Hong Kong và hợp tác với chuyên gia Italy để mang lại mẫu thiết kế tinh xảo nhưng giảm giá thành xuống bằng cách đầu tư vào máy móc ban đầu. Dù tốn tiền nhưng mang lại hiệu quả dài lâu vì giảm giá nhân công”.

Hiện cả nước có khoảng 12.000 doanh nghiệp kinh doanh vàng. Theo quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng hiện nay, chỉ ít doanh nghiệp trong số này đủ điều kiện bán vàng miếng, còn lại phải chuyển sang sản xuất, mua bán vàng trang sức mỹ nghệ, nghĩa là sẽ có một lượng lớn doanh nghiệp nhỏ sẽ tập trung vào mảng kinh doanh nữ trang. Thị trường này sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt hơn nên nhiều doanh nghiệp cần phải có chiến lược bài bản.

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng: “Vấn đề kiểm định và phải đầu tư máy móc để kiểm định chất lượng cần được chuẩn bị bài bản mới xây dựng được thị trường nữ trang uy tín và tiên tiến”.

Cũng theo Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam, trong bối cảnh của doanh nghiệp vàng hiện nay, mở thêm cửa hàng là yêu cầu bắt buộc. Việc đầu tư cho thiết kế và công nghiệp hóa sản phẩm trang sức cũng là điều quan trọng để tồn tại và có thể gia nhập thị trường vàng thế giới.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước