Nhà máy điện Cà Mau góp phần tạo nên diện mạo mới của TP. Cà Mau. Ảnh: Thanh Hương
Bằng việc tập trung nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng, mở rộng không gian đô thị theo hướng hiện đại, văn minh và bền vững, ngày 7/8/2010, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định công nhận TP. Cà Mau là đô thị loại II.
Sự kiện trên có thể coi là bước ngoặc rất quan trọng, không chỉ cho địa phương và tỉnh Cà Mau, mà còn có sức lan tỏa đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa và du lịch, liên kết vùng, liên kết đô thị trong tổng thể quy hoạch chung của các tỉnh vùng Tây sông Hậu và bán đảo Cà Mau.
Phát triển xứng tầm vị trí trung tâm
Vài năm gần đây, phong trào chính quyền và nhân dân TP. Cà Mau cùng chung tay ra sức xây dựng thành phố ngày càng khang trang theo hướng sáng- xanh- sạch- đẹp, văn minh đô thị đã được triển khai mạnh mẽ. Các nguồn lực tiến hành nhanh và đồng bộ tới các dự án nâng cấp, chỉnh trang hạ tầng kiến thiết thị chính, đô thị. Cà Mau đang nỗ lực phấn đấu đến năm 2020 đạt đủ các tiêu chí đô thị loại I, theo định hướng quy hoạch đô thị của tỉnh và vùng, xứng tầm là đô thị hạt nhân của vùng Tây Nam, đô thị động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Tính riêng từ đầu năm 2016 đến nay, mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, với những bất lợi về thời tiết, hạn hán và xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến sản xuất thuỷ sản, cùng những biến động giá cả thị trường… nhưng Cà Mau vẫn phát huy thế mạnh của mình về nuôi trồng và chế biến thuỷ sản xuất khẩu. Tổng giá trị sản xuất của thành phố tăng gần 10% chỉ tiêu kế hoạch được giao, trong đó, công nghiệp - xây dựng tăng 8,51% kế hoạch, thương mại - dịch vụ tăng 12,38% kế hoạch, nông nghiệp - thủy sản tăng 9,82% kế hoạch. Tổng các nguồn vốn đầu tư xây dựng trên địa bàn 6 tháng đầu năm nay đạt 3.085 tỷ đồng, đạt chỉ tiêu đề ra và tăng 12,10% so với cùng kỳ.
Về xây dựng cơ sở hạ tầng, TP. Cà Mau đã phê duyệt hoàn thành Đồ án quy hoạch chi tiết Khu dân cư tuyến đường Tạ Uyên, phường 9, TP. Cà Mau, tiếp tục thực hiện 9 đồ án quy hoạch trên địa bàn. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại II: nâng cấp các tuyến hẻm, trồng mới cây xanh, xây dựng hàng chục tuyến phố văn minh, kiểu mẫu và đáp ứng nhu cầu giải ngân kịp thời nguồn vốn xây dựng cơ bản trên địa bàn. Thực hiện mục tiêu phấn đấu để TP. Cà Mau xứng tầm là trung tâm kinh tế, thương mại - dịch vụ của tỉnh.
Là trung tâm giao thương mua bán, nơi khởi đầu cho các tuyến tham quan du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tâm linh, lịch sử trên địa bàn và các địa phương trong tỉnh, TP. Cà Mau đã đề ra mục tiêu: Phát triển thương mại - dịch vụ và du lịch, xứng tầm là trung tâm của tỉnh theo hướng văn minh, hiện đại, thúc đẩy tăng trưởng phát triển kinh tế của thành phố, đảm bảo cho thương mại - dịch vụ và du lịch phát triển nhanh, bền vững, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế của thành phố. Hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại - dịch vụ và du lịch phát triển đồng bộ, ngày càng hiện đại.
Nhằm tăng cường công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, huy động và tập trung nguồn lực xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, đầu tháng bảy vừa qua, Thành ủy Cà Mau ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về tăng cường công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, huy động và tập trung nguồn lực xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng đô thị thành phố Cà Mau với mục tiêu: "Quy hoạch, xây dựng và phát triển thành phố Cà Mau trở thành đô thị loại I xứng tầm là đô thị tỉnh lỵ, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh và là đô thị hạt nhân vùng đô thị Tây Nam".
Đổi thay một vùng đất
Trong thời gian tới, thành phố khẩn trương hoàn thành điều chỉnh quy hoạch chung theo hướng mở rộng phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh, điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Hàng loạt các quy hoạch được tiến hành trên mọi mặt: quy hoạch về mạng lưới giao thông và các công trình phúc lợi công cộng thích ứng biến đổi khí hậu và nước biển dâng; quy hoạch chi tiết 1/500 các khu chức năng, các phường nội thị, cụm, tuyến dân cư; quy hoạch mở rộng không gian đô thị về hướng Tây, Tây Nam, Tây Bắc và Đông Bắc; quy hoạch một số khu đô thị mới theo mô hình đô thị sinh thái, đô thị xanh, văn minh, hiện đại. Tiếp đó, điều chỉnh quy hoạch cao độ xây dựng của thành phố, đảm bảo thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Lập thiết kế đô thị trên các tuyến đường chính và quy hoạch chi tiết khu vực bờ kè các tuyến sông trong nội đô thành phố nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, cải thiện vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan đô thị đặc sắc miền sông nước, khai thác thế mạnh du lịch sông nước.
Đặc biệt, Dự án Nâng cấp đô thị Vùng đồng bằng sông Cửu Long - Tiểu dự án TP. Cà Mau (TP. Cà Mau là một trong 06 đô thị của vùng ĐBSCL được chính phủ phê duyệt), có tổng mức đầu tư gần 1.200 tỷ đồng (trong đó, 70% vốn vay Ngân hàngThế giới và nguồn vốn đối ứng chiếm 30%). Dự án triển khai đầu tư trên địa bàn 8 phường và xã Tắc Vân với tổng số 18 khu dân cư thu nhập thấp (gọi tắt là LIA), thời gian thực hiện từ 2012 đến 2017, nhằm cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng đô thị, cải thiện và nâng cao đời sống và dịch vụ đô thị tại các khu dân cư, góp phần thực hiện giảm nghèo và phát triển bền vững. Hàng ngàn hộ dân trong vùng dự án được hưởng lợi từ dự án này, khi biến những nới ao tù, nước đọng lầy lội trong thời gian dài thành những tuyến phố khang trang sạch đẹp. Đồng thời, các hộ dân trong diện giải toả được tái định cư vào khu dân cư mới khang trang để an cư lập nghiệp, được hỗ trợ đào tạo nghề, nhiều hộ có cơ hội vươn lên thoát ngèo, ổn định cuộc sống…
Ông Đỗ Trường Giang, Giám đốc ban quản lý Dự án Nâng cấp đô thị TP. Cà Mau cho biết, qua 4 năm triển khai thực hiện, hiện dự án đã làm thay đổi diện mạo của cộng đồng dân cư thành phố, đặc biệt là các khu vực dân cư có thu nhập thấp nơi dự án đầu tư. Dự án đã đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng từ đường giao thông, hệ thống cấp nước, điện sinh hoạt, chiếu sáng và trạm thu gom rác thải. Bên cạnh đó, đầu tư mới và nâng cấp, cải tạo các trường trung học cơ sở, trường mầm non trong khu vực đầu tư này.
Được biết, Dự án có tổng cộng 36 gói thầu, đến nay đã hoàn thành 16 gói thầu và đang triển khai thực hiện 20 gói thầu còn lại. Giá trị 20 gói thầu này chiếm tỷ trọng lớn trong dự án với tổng giá trị hợp đồng khoảng 750 tỷ đồng. Đến tháng 8 năm 2016, Ban quản lý Dự án Nâng cấp đô thị TP. Cà Mau đã giải ngân đạt tỷ lệ 54,30% nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới và 93,64% nguồn vốn đối ứng, dự kiến đến cuối năm 2017 sẽ giải ngân hết nguồn vốn bố trí cho dự án. Theo kế hoạch Ban quản lý Dự án Nâng cấp đô thị thành phố Cà Mau đã cam kết với Ngân hàng thế giới, đến tháng 9 năm 2017 sẽ hoàn thành tất cả các LIA còn lại và các tuyến đường, kè ở các LIA theo dự án được duyệt.
Dự án hoàn thành có ý nghĩa hết sức quan trọng, đảm bảo mục tiêu cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống cho cư dân nghèo đô thị. Kết quả đầu tư từ dự án sẽ từng bước góp phần hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị, tạo điều kiện để thành phố Cà Mau hoàn thành các tiêu chí đô thị loại I vào năm 2020.
Ông Hứa Minh Hữu, Phó bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP. Cà Mau cho biết thêm: Phấn đầu từ nay đến năm 2020, hạ tầng đô thị của thành phố đáp ứng cơ bản các tiêu chí đô thị loại I. Tập trung đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển theo quy hoạch, ưu tiên đẩy nhanh đầu tư các công trình trọng điểm, tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng đô thị kể cả vùng ngoại thành để mở rộng thành phố theo quy hoạch. Trên cơ sở quy hoạch và định hướng phát triển, thực hiện công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để phát triển đô thị và triển khai các dự án đầu tư, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, các trục giao thông chính trong các khu quy hoạch đã được duyệt. Hoàn thành việc xây dựng mở rộng quốc lộ, đường vành đai, các trục liên kết các khu vực, các trục chính trong khu dân cư, tạo điều kiện thúc đẩy mở rộng không gian đô thị. Nhất là tập trung đầu tư phát triển hệ thống cầu - đường đấu nối với các tuyến đường chính như: Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Đinh Tiên Hoàng, Ngô Quyền, Nguyễn Tất Thành, Lý Thường Kiệt... Đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống giao thông các xã ngoại thành, nhất là các tuyến giao thông nông thôn kết nối trung tâm thành phố với các khu vực nông thôn.
Có thể nói, với những công trình mới mở, những dự án đang triển khai nhằm phục vụ nhu cầu giao thương, tạo động lực phát triển kinh tế khu vực, TP. Cà Mau đã và đang nỗ lực đầu tư và phát triển xứng tầm là đô thị hạt nhân của vùng Tây Nam, đô thị động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.