Ngân hàng Nhà nước đã không thể giữ được cam kết từ đầu năm là chỉ điều chỉnh tỷ giá không quá 2% trong năm nay. Tuy nhiên, thị trường đón nhận chính sách này như một sự tất yếu trong bối cảnh nhiều đồng nội tệ ở châu Á cũng phá giá. Việc phá giá tiền Đồng rõ ràng sẽ hỗ trợ cho xuất khẩu, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, thuỷ sản. Với các chỉ số vĩ mô khác, đặc biệt là chỉ số giá tiêu dùng CPI, các chuyên gia kinh tế dự báo sẽ có nhích lên nhưng trong tầm kiểm soát.
Tỷ giá tăng, các doanh nghiệp phải sử dụng nhiều tiền Đồng hơn để đổi USD, rồi từ đó dùng USD nhập nguyên vật liệu máy móc về sản xuất. Điều này sẽ khiến chi phí và giá bán tăng ở một số mặt hàng sử dụng nhiều nguyên liệu nhập khẩu như sữa, hàng thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, đồ nhựa. Tuy nhiên, mức tăng này không ảnh hưởng đến lạm phát vì hiện nay lạm phát của Việt Nam đang ở mức thấp do chi phí vận chuyển đang thấp. CPI bình quân 8 tháng đầu năm nay chỉ khoảng 0,68%.
Tác động của việc giảm giá tiền Đồng đến lạm phát chủ yếu nằm ở phần nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng xa xỉ như ô tô, điện thoại, hàng điện tử. Hiện các mặt hàng này chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!