Nằm trên thung lũng Jordan ở biên giới
giữa Bờ Tây, Israel và Jordan, Biển Chết là một hồ chứa nước có độ mặn
cao nhất trên thế giới. Toàn bộ vùng biển nội địa này dài 76 km, chỗ
rộng nhất tới 18 km.
Do bề mặt Biển Chết nằm ở độ sâu 417,5 m dưới mực nước biển, đây cũng được coi là nơi thấp nhất trên bề mặt của Trái Đất.
Biển này được gọi là "Chết" do độ mặn
quá cao của nó làm cho cá hay các thủy sinh vật lớn không thể sống trong
nước của nó, trừ một lượng rất nhỏ vi khuẩn và nấm mốc có thể tồn tại.
Dù vậy vẫn có nhiều loài chim và thú sinh sống trong các dãy núi xung
quanh Biển Chết.
Do độ cao bất thường về độ mặn của nó nên con người có thể nổi trong Biển Chết khá dễ dàng nhờ tác dụng của sức nổi.
Nước biển Chết chứa khoảng 21 khoáng
chất mà một số trong đó được ghi nhận là có ảnh hưởng tới cảm giác thư
giãn, bổ dưỡng da, hoạt động của hệ tuần hoàn và làm giảm nhẹ bệnh thấp
khớp cũng như các rối loạn trao đổi chất.
Điều này khiến Khu vực biển Chết đã trở thành một trung tâm nghiên cứu sức khỏe và điều trị lớn.
Từ nửa đầu thế kỷ 20, Biển Chết cũng bắt
đầu thu hút sự quan tâm của các nhà công nghiệp hóa chất trong vai trỏ
của một mỏ kali và brôm tự nhiên.
Theo các sử liệu, con người đã định cư xung quanh Biển Chết từ thời cổ đại. Đây là khu vực có bức tranh lịch sử khá phong phú.
Nhiều di tích kiến trúc vẫn được bảo tồn
ở khu vực này đến bay giờ, tiêu biểu là cung điện Masada của vua Herod -
người được Đế chế La Mã cắt đặt cai quản vùng đất của người Do Thái.
Biển Chết cũng từng là nơi nương tựa của
Vua David và là nguồn cung cấp các sản phẩm khác nhau cho thế giới cổ
đại như nhựa thơm cho việc ướp xác của người Ai Cập cho tới bồ tạt để
làm phân bón.
Do cảnh quan và những đặc tính kỳ lạ có
một không hai, Biển Chết có sức lôi cuốn đặc biệt và các du khách từ
các khu vực xung quanh Địa Trung Hải trong hàng nghìn năm qua.
Tuy nhiên, vùng biển này đang nhanh
chóng co lại do biển đổi của khí hậu và hoạt động thủy lợi ở khu vực.
Năm 2005, Jordan, Israel và Palestine đã ký một thỏa thuận bảo vệ Biển
Chết dựa trên ý tưởng đưa nước từ Địa Trung Hải hay Hồng Hải vào thông
qua các đường hầm hay kênh đào.