VTV.vn - Việc đảm bảo đủ điện cho nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp và đời sống của người dân thực sự là bài toán khó giải.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của phụ tải giai đoạn 2016 - 2030, mỗi năm, hệ thống điện phải bổ sung khoảng 6.000 - 7.000 MW. Trong khi, nguồn điện dự phòng gần như không còn, các dự án điện của các nhà sản xuất điện độc lập nằm trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh không thể đưa vào vận hành theo đúng tiến độ.
Thách thức lớn không chỉ xuất phát từ nguồn cung là thủy điện, nhiệt điện than hay điện mặt trời ít, mà còn xuất phát từ sự mất cân đối giữa cung và cầu của từng vùng, miền. Trong khi miền Nam sử dụng trên 50% tổng nhu cầu điện năng thì nguồn điện hiện nay lại tập trung chủ yếu ở miền Bắc và miền Trung (gần 60%), miền Nam chỉ có thể tự sản xuất dưới 40%.
Trước thực tế đó, EVN đã kiến nghị Nhà nước, Bộ Công Thương cho phép phát triển các trung tâm điện lực, bổ sung nguồn cung cho hệ thống điện quốc gia; khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các dự án năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời…, đồng thời, triển khai các biện pháp kiểm soát nhu cầu phụ tải, tăng cường tuyên truyền sử dụng năng lượng tiết kiệm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!