VTV.vn - Sự chuẩn bị cho Tết khó khăn, thiếu thốn trong những năm trước đây đã khiến cái Tết trở nên thi vị và đáng nhớ.
Vào thời điểm khó khăn, thiếu thốn của nước ta trước đây, việc mua sắm, chuẩn bị cho Tết thường được bắt đầu từ hai tuần trước Tết. Nhà nào cũng có một hũ dưa, hũ hành muối. Để chuẩn bị cho nồi bánh chưng, nhiều người phải xếp hàng từ sáng sớm để mua thịt lợn. Gạo nếp được quy đổi từ gạo tẻ theo tiêu chuẩn phân phối. Mỗi gia đình có thể gói được vài cái bánh chưng.
Hồi đó, ít người có đủ điều kiện sắm được mâm ngũ quả, thường người dân chỉ mua một nải chuối hoặc một vài quả cam, phổ biến nhất là vài quả ớt. Một số người tìm mua trên phố, tại các quầy hàng bán tranh thờ những tấm tranh mâm ngũ qua và tranh hình Chủ tịch Hồ Chí Minh, chừng đó cũng đủ để bàn thờ ấm cúng trong nhà.
Chợ hoa Hàng Lược mở từ ngày 23 Tết và ngày nào cũng đông, nhà nào cũng phải có hoa. Người nào có điều kiện phải chơi cả hoa đào và cây quất, nếu không cũng phải có cành đào. Một cành đào hồi đó có giá tương đương 10kg gạo. Những người không có nhiều tiền mua những cành đào, cây quất bằng nhựa.
Có khi chỉ là hũ dưa, hũ hành muối, một bức tranh in hình mâm ngũ quả trên nền giấy đỏ chót, hay một cây quất giả đã đủ để làm nên một cái Tết truyền thống của ngày xưa. Ở thời kỳ còn khó khăn, thiếu thốn, chỉ một vài đồ vật trang trí đơn giản cũng đã khiến cả con phố của Hà Nội rực rỡ, nhộn nhịp vô cùng.
Sau vài chục năm, con phố ấy vẫn giữ nguyên cái tên Hàng Lược với sự nhộn nhịp, đông đúc với vô vàn sản phẩm được bày bán từ hoa thật, hoa giả, đồ vật trang trí kim cổ cho đến những chiếc phong bao lì xì đủ màu sắc… Phố vẫn kẻ mua, người bán tấp nập nhưng khi đời sống con người đã được cải thiện hơn, những đồ vật mà trước đây chỉ đến Tết mới có nay lại có thể dễ dàng mua được ở ngày thường, sự hân hoan, náo nức khi đi sắm Tết đã vơi đi ít nhiều.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!