Hát Bả trạo là loại hình diễn xướng dân gian mang đậm tính nghi lễ của cư dân vùng biển khu vực miền Trung, được tổ chức hàng năm, hoặc 2,3 năm một lần nhân dịp lễ Nghinh Ông và trong các lễ hội cầu mùa của ngư dân. Loại hình diễn xướng nghệ thuật này được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2013.
Từ xứ biển Quảng Bình đến Bình Thuận, hát Bả trạo hay còn gọi là chèo bả trạo, hò đưa linh là hoạt hình diễn xướng dân gian phổ biến. Nội dung của hát Bả trạo là cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, thuyền về tôm cá đầy khoang.Bên cạnh đó thể hiện sự tôn kính, lòng biết ơn của cộng đồng ngư dân miền biển đối với cá Ông đã giúp đỡ ngư dân vượt qua sóng gió, những tai ương trên biển.
Theo các nhà nghiên cứu, bả là nắm chắc, trạo là mái chèo, bả trạo là nắm chắc mái chèo giữa biển khơi. Ở Bình Thuận ngày trước có rất nhiều đội chèo Bả trạo. Tuy nhiên hiện nay ở TP Phan Thiết chỉ còn 2 đoàn Bả trạo đang hoạt động. Các đoàn đều nỗ lực tìm kiếm thế hệ kế thừa để tiếp nối truyền thống.
Ngoài việc bám biển mưu sinh, các thành viên của đoàn Bả trạo đã và đang tích cực bảo tồn các loại hình văn hóa truyền thống, qua đó góp phần làm phong phú đời sống tinh thần, gắn kết cộng đồng trong việc cùng nhau lưu giữ, nuôi dưỡng nét đẹp truyền thống văn hóa địa phương.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!