Hình thành và phát triển qua đôi bàn tay khéo léo của những người thợ. Từ những hòn đất, làng nghề đã tạo nên những sản phẩm với sắc đỏ đặc trưng, nức tiếng một thời.
Nằm dọc theo sông Cổ Chiên, trải dài khoảng 30 km bắt đầu từ TP Vĩnh Long đến huyện Long Hồ rồi Măng Thít, làng nghề gạch gốm này đã được hình thành và phát triển cách nay 100 năm.
Làng nghề nhìn từ trên cao.
Tuy xuất hiện muộn hơn so với những làng gốm khác của Việt Nam nhưng gốm Vĩnh Long lại mang nét riêng là dòng gốm không men, có màu đỏ tự nhiên độc đáo.
Vào những năm hưng thịnh, làng gốm có gần 3.000 lò nung hoạt động, và nơi đây được mệnh danh là "Vương quốc gốm đỏ" ở Đồng bằng sông Cửu Long. Thế nhưng hiện nay số lượng lò còn hoạt động đã thưa dần, chỉ còn khoảng 800 lò.
Theo người dân địa phương giải thích với chương trình Miền Tây hôm nay (VTV Cần Thơ), do nguyên liệu ngày càng ít nên mọi người chuyển sang nghề khác để mang lại kinh tế nhiều hơn. Người dân làng nghề đang đứng trước nhiều khó khăn nhưng nhiều người vẫn nặng tình với sắc đỏ quê hương.
Nhằm gìn giữ di sản văn hóa đương đại này, tỉnh Vĩnh Long đã có những đề án bảo tồn kết hợp với phát triển du lịch. Đề án có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.
Sản phẩm thủ công của các nghệ nhân.
Trải qua nhiều thăng trầm, sắc đỏ từ đất vẫn luôn vẹn nguyên tạo nên cái hồn cho gốm Vĩnh Long. Vẻ đẹp đó không những thu hút du khách mà nó còn níu giữ những nghệ nhân muốn giữ lửa cho làng nghề.
Những nghệ nhân vẫn miệt mài sáng tạo ra những sản phẩm không chỉ có mẫu mã tinh xảo mà chất lượng ngày càng cao hơn nhằm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Đây cũng là cách để những lò gạch ở vương quốc gốm đỏ từng nức tiếng một thời không nguội lạnh, vắng xa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!