Cho đến nay, hầu như quận, huyện nào của thành phố Cần Thơ cũng có người chuyên làm nón. Nhưng tập trung nhất là ở huyện Thới Lai với khoảng 500 hộ. Theo tìm hiểu của chương trình Miền Tây hôm nay (VTV Cần Thơ), người đầu tiên đem nghề chằm nón về xứ này là một người phụ nữ ngoài 80 tuổi. Thế hệ con cháu của bà vẫn đang ngày ngày lướt từng đường kim mũi chỉ trên những chiếc nón lá Cần Thơ.
Bà Nguyễn Thị Đấu là người đem nghề về Thới Lai kể rằng ngày xưa theo mẹ đi chợ Vàm Cống, tỉnh Đồng Tháp, thời đó đã nổi tiếng với nghề làm nón lá. Sườn nón là cách gọi của người trong nghề, còn người dân quen gọi là chằm nón lá. Thấy bà yêu thích công việc này nên người dân ở đây đã nhiệt tình chỉ dẫn. Chiếc nón lá đã giúp bà nuôi lớn đàn con qua cơn bĩ cực trong thời chiến. Khi ấy bà bán từng chiếc nón để lấy tiền mua gạo, đường, mắm, muối. Đến khi hòa bình lặp lại, nghề làm nón lá giúp gia đình bà trở nên khá giả.
Đối với những người phụ nữ nông thôn, được ở nhà chăm sóc chồng con mà vẫn có nguồn thu nhập là niềm mơ ước. Vậy là chẳng ai bảo ai, nghề chằm nón cứ mở rộng dần. Bây giờ xã nào của huyện Thới Lai cũng có người chằm nón vì thu nhập tương đối ổn định và có thể chủ động thời gian. Ai xong cơm nước, ruộng đồng thì lấy nón ra làm.
Nghề này gắn bó với người phụ nữ nông thôn vì nón lá không hiện diện ồn ào như dòng nón thời trang nhưng không bị lấn át. Nón lá có một phân khúc không thể thay thế được. Chiếc nón là lựa chọn số 1 của người dân quê. Vì vậy nón là cứ an nhiên tồn tại giữa bao biến đổi của cuộc đời.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!